Số liệu nợ xấu đã cho thấy những con số an toàn, nhưng chuyển nợ qua VAMC hay dùng dự phòng không mang đến cho các cổ đông ngân hàng những niềm vui.
Năm 2015 Agribank đã thu được 2.000 tỷ đồng nợ xấu
Nợ xấu phải thành… tiền mặt
Số liệu của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, đến cuối tháng 12/2015, trên 473.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2015 còn 2,55% so với tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%. Kết quả này có được chủ chủ yếu là nhờ giải pháp chuyển các khoản nợ xấu từ ngân hàng sang “kho nợ xấu” là Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Con số được ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ với ĐTCK, cụ thể là 244.082 tỷ đồng dư nợ gốc của 41 TCTD, với số lượng khách hàng là 16.075 người và tổng số khoản nợ là 24.556 khoản.
Vấn đề là mặc dù VAMC đã rất nỗ lực, nhưng sau khi nhận nợ xấu từ các ngân hàng, cũng mới chỉ xử lý được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc. Cũng theo ông Hùng, kết quả đang tốt hơn trong thời gian gần đây.
“Điểm khá đặc biệt khi trong chưa đầy 3 tháng, từ 1/1/2016 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 3.217 tỷ đồng bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản bảo đảm…”, ông Hùng cho biết.
Đối với các ngân hàng thì đây là kết quả đáng mừng bởi nếu VAMC không xử lý được, sau 5 năm, các ngân hàng lại phải nhận lại các khoản nợ xấu này. Do vậy, đối với cổ đông thì việc tự xử lý nợ xấu dường như đang được ưu tiên hơn.
Tại đại hội cổ đông của ACB vừa qua, món nợ mang tên “bầu” Kiên đã được nhắc lại. Đây là khoản nợ xấu rất lớn của ACB lên tới 5.800 tỷ đồng (trong đó dự nợ cho vay gần 1.900 tỷ đồng, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ đồng) của nhóm 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên.
Tại Agribank, trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, năm 2015 Agribank đã thu được 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mỗi năm xử lý thu hồi được 15-20% số nợ đã bán. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thực tế muốn giải quyết được phải có thời gian.
“Hiện nền kinh tế đã ấm lên, trong khi nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới nên khả năng xử lý nợ đã bán cũng tốt hơn. Vì bản chất đây không phải là món nợ xấu hẳn mà vẫn có tài sản thế chấp, nhà máy vẫn còn đang hoạt động mặc dù hoạt động cầm chừng nên việc thu hồi nợ chậm, nhưng vẫn túc tắc”, ông Khánh cho biết.
Cần tối đa hóa thu hồi nợ
Trong một góc nhìn khác, ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ (Việt Nam) cho rằng hiện các ngân hàng tại Việt Nam đã rất chủ động trong thu hồi nợ xấu, và việc thu hồi nợ chủ yếu thông qua thu hồi tài sản bảo đảm, nhưng đang cần hoạt động này nên được khuyến khích thông qua quy trình pháp lý nhanh hơn…
Đây là vấn đề mà nhiều chuyên gia pháp lý đã đề cập tới thời gian vừa qua, đó là quy trình khởi kiện, thu hồi tài sản của các ngân hàng Việt Nam chưa được pháp luật bảo vệ và tạo điều kiện. Điều này khiến việc thu hồi nợ rất chậm, và việc xử lý nợ xấu trên thực tế là dùng lợi nhuận thu về để “đè” vào khoản nợ xấu bị mất, với tên gọi là “dùng dự phòng xử lý” hoặc bán cho VAMC để nhận trái phiếu về.
“Chìa khóa giải quyết là xử lý khoản nợ xấu và tối đa hóa thu hồi nợ”, ông Dennis Hussey nhấn mạnh và cho rằng, các giải pháp tái cơ cấu khoản nợ (cho khách hàng hưởng kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn) có thể giúp một số khách hàng hồi phục kinh doanh và trả nợ, nhưng không phải là tất cả. Khi đó câu hỏi được đặt ra là “liệu ngân hàng có thể thu hồi được một phần giá trị từ tài sản bảo đảm thông qua tòa án không?”
Ngoài khối ngân hàng, thì câu chuyện nợ xấu đang có thêm một diễn biến mới là nợ xấu của khối công ty tài chính. Dù không mang tên “ngân hàng”, nhưng hoạt động của các công ty tài chính lại là hoạt động cấp tín dụng.
Theo báo cáo của Vụ Dự báo, thống kê NHNN vừa công bố cho biết hầu hết các nhóm TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 sẽ giảm so với cuối năm 2015 nhưng vẫn còn TCTD thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính nhận định tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình còn ở mức trên 3%.
Tín dụng vẫn bị ảnh hưởng
Mặc dù cơ quan quản lý cho biết hiện không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN) và số lượng nợ xấu theo báo cáo chính thức không lớn, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết nếu phân tích các chỉ tiêu tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực thì có thể ước lượng được khối lượng nợ xấu còn khá lớn.
Điều đáng lo ngại là một loạt các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đang rất chật vật với việc tìm nguồn vốn để hoàn lại lỗ và để bù đắp tài sản xấu đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh DN hoạt động chưa thực sự khởi sắc...
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, với thực trạng DN nhỏ, yếu như hiện nay trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, xử lý nợ xấu cũng như nguy cơ nợ xấu là vấn đề “tự sinh” hơn là “tự giải”, dự báo nợ xấu sẽ còn gia tăng có vẻ đáng tin hơn… Khó có thể khẳng định chắc chắn về xu hướng giảm nhanh của nợ xấu…
“Nợ xấu chậm xử lý do tính chất phức tạp, gai góc của vấn đề khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong hoạt động tín dụng hiện tại”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam, tháng 4/2016 của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC dự báo: “Nói cách khác, quá trình xử lý nợ xấu tốn nhiều thời gian, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro. Điều này cam đoan một cách tiếp cận thận trọng với các khoản cho vay mới”.
Đến cuối tháng 12/2015, trên 473.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2015 còn 2,55% so với tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%.
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.