Tình thế bất đắc dĩ
Tại hầu hết các dự án bất động sản, chủ đầu tư thường chỉ có khoảng 30% vốn, đủ để lo liệu làm thủ tục như giải phóng mặt bằng, khởi công dự án. Số còn lại vẫn phải dựa vào vốn vay ngân hàng và vốn góp từ khách hàng. Tuy vậy, ở thời điểm này, rất nhiều chủ đầu tư đã lộ rõ những bất cập trong việc minh bạch tài chính. Khách hàng đóng đủ tiền, đúng hạn nhưng dự án vẫn "đắp chiếu". Điều đó khiến không ít người băn khoăn, tìm cách tự gỡ rối.
Đó là những đợt nộp tiền tiếp theo, người mua sẽ không chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mà nộp vào một tài khoản riêng do ngân hàng kiểm soát, có sự giám sát của đại diện khách hàng. Từ đó, khách hàng chỉ chuyển tiền thanh toán cho những hạng mục mà chủ đầu tư đã thực hiện. Chỉ khi chủ đầu tư minh bạch về nhà thầu, giá vật liệu xây dựng, khách hàng mới quyết định giải ngân.
Cụ thể, chuyện này đã diễn ra tại dự án chung cư Đại Thành.
Chị Trương Thị Cẩm Nhung, khách hàng của dự án trên, cho biết: "Sau một thời gian dài lẩn trốn vì chậm giao nhà, đến nay chủ đầu tư bất ngờ thông báo sẽ trả lãi cho khoản vay góp vốn. Thật sự với cách giải quyết này, không biết bao giờ chúng tôi mới được nhận nhà? Cũng vì mong sớm có nhà nên hầu hết khách hàng không muốn kiện cáo, đành tìm cách gỡ rối cùng doanh nghiệp".
Theo ông Nguyễn Văn Phú, người mua nhà thuộc dự án căn hộ Cao ốc Xanh trên đường Nam Hòa, quận 9, trong tình cảnh này chỉ còn cách tham gia vào quản lý nguồn vốn góp, giải ngân đúng mục đích thì may ra còn có cơ hội nhận nhà.
Thậm chí, có người đã góp tới 98% giá trị căn hộ đến nay vẫn chưa được nhận nhà. Đó là trường hợp của ông Thảo khi mua căn hộ thuộc dự án Thảo Loan Plaza tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, đến tháng 6/2012, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, lời hứa này vẫn nằm trên giấy.
Tự cứu mình
Hầu hết khách hàng đều bị thiệt thòi khi chấp nhận các điều khoản trong hợp đồng, trong khi chủ đầu tư chủ động nắm "đằng chuôi". Để nhận được nhà hoặc nhận lại tiền là hết sức trầy trật nên khách hàng đành phải quản lý tài khoản góp vốn. Thậm chí, ở nhiều dự án, họ còn gánh luôn công việc của chủ đầu tư là lựa chọn nhà thầu và kiểm soát tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: "Lúc thị trường BĐS đang sôi động, chủ đầu tư đua nhau làm dự án trong khi năng lực tài chính yếu kém, còn khách hàng vì mong muốn có nhà mà đặt hết niềm tin vào chủ đầu tư bất chấp rủi ro. Hậu quả pháp lý phát sinh từ những hợp đồng huy động vốn được ký kết sơ sài thường rất bất lợi cho người mua nhà nếu đưa ra giải quyết tại cơ quan tố tụng, đặc biệt là khi chủ đầu tư giao nhà chậm tiến độ, giao nhà không đảm bảo chất lượng".
Việc tham gia vào quản lý dòng tiền triển khai dự án là cách để khách hàng tự cứu mình, cũng như là cơ sở để tự thân vận động hoàn thiện công trình. Điều này dễ hiểu vì lo ngại lớn nhất là nếu đóng tiền, các chủ nợ của doanh nghiệp rất có thể sẽ siết nợ khiến dòng tiền không đến được với công trình.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, công ty luật Hợp Việt, việc khách hàng đấu tranh và đòi quyền tham gia quản lý dự án là tất yếu (quản lý dòng tiền dự án chỉ là một phần quyền của họ). Ông Phượng cho rằng cần bỏ ngay hình thức "hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở và bên tham gia góp vốn hoặc bên tham gia hợp tác đầu tư được phân chia sản phẩm là nhà ở" theo Nghị định 71.