02/12/2013 1:09 PM
Kết luận của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội về việc chấp hành nghĩa vụ tài chính của một số chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn thành phố cho thấy hàng loạt doanh nghiệp lớn về BĐS vẫn tiếp tục nợ thuế, phí.

Điển hình như Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) với 2 dự án Việt Hưng và Pháp Vân - Tứ Hiệp, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), Công ty Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội - chủ đầu tư khu đô thị Yên Hòa, CTCP Đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm - chủ dự án khu đô thị Dịch Vọng, Công ty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Viglacera - chủ đầu tư dự án Đại Mỗ…

Trên thực tế, mặc dù đều là những doanh nghiệp hàng đầu với những dự án đình đám trên thị trường BĐS, nhưng những doanh nghiệp bị “điểm danh” này hoàn toàn không phải là những cái tên mới lạ đối với cơ quan thuế.

Giữa tháng 9-2013, Cục thuế Hà Nội đã công bố danh sách 77 doanh nghiệp đang chây ì, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có doanh nghiệp nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng và phần lớn rơi vào các doanh nghiệp xây dựng, BĐS.

Cụ thể, Công ty Sông Đà Thăng Long dẫn đầu về số thuế nợ lên tới gần 283 tỷ đồng, Công ty Viglacera Hà Nội trên 70 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp trên 34 tỷ đồng...

Không khó để thấy rằng nộp thuế, phí không phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, cho dù bị nêu đích danh thêm nhiều lần nữa.

Theo nhiều chuyên gia về tài chính, nguyên nhân của sự chậm trễ ngoài những yếu tố khách quan như khó khăn doanh nghiệp BĐS gặp phải từ vài năm qua, còn có những lý do như tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế về giá tính thuế; những vướng mắc trong cách tính thuế ở các dự án biệt thự có cấu phần BĐS khi khấu trừ tiền sử dụng đất cho các dự án hạ tầng như nhà máy xử lý nước thải, đường; chưa xác định được phần chênh lệch giữa giá thành xây dựng và giá bán như một số chủ đầu tư đưa ra gần đây...

Nhưng có một thực tế không thể chối cãi là trong thời điểm BĐS trầm lắng, tài chính eo hẹp, để có thể có vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nợ thuế, thậm chí chấp nhận bị phạt còn hơn là phải đi vay ngân hàng đóng thuế. Mức độ sinh lợi từ khoản tiền thuế càng cao, khả năng doanh nghiệp muốn nợ thuế càng lớn.

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.