Ông Nho rất bất ngờ khi biết chỉ được mua một căn nhà
Ông Nguyễn Văn Nho (ảnh, SN 1960, ngụ P14Q. Gò Vấp, TPHCM) cho biết gia đình có nhà và đất tại địa phương, sử dụng ổn định từ trước năm 1975. Đây là nơi sinh sống cho cả đại gia đình gồm năm anh em ruột. Năm 1999, UBND Q.Gò Vấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cho gia đình ông. Năm 2002, UBND TPHCM ban hành quyết định (QĐ) 2064/QĐ-UB phê duyệt dự án (DA) đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Bến Cát - Tham Lương - Rạch Nước Lên dài 32km qua địa bàn 7 quận, trong đó có Gò Vấp, nhưng do không có tiền thực hiện nên DA chỉ nằm trên giấy và người dân cũng không biết phần đất của mình có thuộc ranh giới giải tỏa không.
Mãi đến ngày 11-7-2007, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.Gò Vấp tiến hành kiểm kê hiện trạng để phục vụ công tác bồi thường. Lúc này ông Nho mới biết toàn bộ nơi ở của gia đình mình nằm trong ranh giới giải tỏa. Tuy nhiên, sau khi kiểm kê xong DA tiếp tục "ngủ đông" và người dân lại mỏi mòn chờ đợi.
Ngày 16-12-2010, không cần ra QĐ thu hồi đất, UBND Q.Gò Vấp ban hành QĐ258/QĐ-UBND bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Nho - bà Nguyễn Thùy Trang với diện tích nhà - đất bị giải tỏa trắng 357,3m2, trong đó gồm 160m2 đất thổ cư và 197,3m2 đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư, tổng số hơn 880 triệu đồng.
Dù so với giá thị trường thì khoản này chênh lệch rất lớn nhưng do đây là công trình an sinh xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng nên ông Nho vui vẻ đồng tình. Năm 2013, Ban BTGPMB Q.Gò Vấp mời ông lên nhận nhà tái định cư (TĐC) tại chung cư An Khang (P14Q.Gò Vấp). Theo quy định, lẽ ra gia đình phải được bố trí hai căn hộ TĐC nên ông rất bất ngờ khi biết chỉ được mua một căn. Tìm hiểu, ông mới vỡ lẽ nguyên nhân là do ông khai... sót tên nhân khẩu (NK) khi không ghi thành viên trong gia đình các anh em ruột cùng sống tại địa chỉ trên. Biết việc này, ông Nho được Ban BTGPMB Q. Gò Vấp yêu cầu về bổ sung lại mới được xem xét. Sau đó, ông đã nộp giấy xác nhận tạm trú do Công an P14Q.Gò Vấp cấp, trong đó có thêm 4 NK nữa là anh em ruột của ông đã đăng ký tạm trú tại địa chỉ trên từ năm 1987 để bổ túc hồ sơ.
Cứ tưởng rằng sau đó gia đình sẽ được nhận thêm căn hộ TĐC, nhưng khi ông Nho nộp giấy xác nhận này thì Ban BTGPMB Q.Gò Vấp không chấp nhận, yêu cầu phải khai lại cho đủ 8 người trong cùng một bản! Ngày 27-9-2013, Công an P14Q.Gò Vấp ký xác nhận theo yêu cầu để bổ túc hồ sơ. Lần này Ban BTGPMB Q.Gò Vấp cũng không đồng ý vì cho rằng giấy xác nhận... mới cấp!
Quá bức xúc với cách giải quyết cứng nhắc trên, ông Nho làm đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng, nhưng không được trả lời. Ông Vũ Văn Định - Trưởng ban BTGPMB Q.Gò Vấp - ký công văn 455/BBT nêu lý do không xem xét cho gia đình ông Nho được mua thêm căn hộ TĐC là do "diện tích sàn xây dựng chỉ 120,4m2 , nhỏ hơn hạn mức đất ở theo quy định là 160m2 và số NK hỗ trợ chỉ 4 người nên không đủ điều kiện xem xét mua hai căn" (!).
Thật khó tin, diện tích đất ở bị giải tỏa của gia đình ông Nho lên tới 357,3m2 , trong đó có 160m2 đất ở, nhưng ông Trưởng ban BTGPMB Q.Gò Vấp lại không xem xét mà cố tình lấy "râu ông nọ chắp cằm bà kia" khi căn cứ... "sàn xây dựng nhỏ hơn hạn mức đất ở" để không giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân! Chẳng những vậy, việc bác đơn bổ túc NK tạm trú tại địa chỉ trên khi đã được CA phường ký xác nhận thể hiện cách làm hết sức quan liêu của Ban BTGPMB Q.Gò Vấp!
Hàng loạt văn bản như QĐ106/2005/QĐ-UBND, Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND và các công văn chỉ đạo của thành phố yêu cầu địa phương thực hiện chính sách đền bù, TĐC khác đều nêu rõ đối với các trường hợp hộ gia đình có khuôn viên đất bị giải tỏa rộng (với Q. Gò Vấp là 160m2 đất ở trở lên - PV), có đông NK cùng sống trong một căn hộ thì được bố trí hai căn hộ TĐC. Như vậy trường hợp gia đình ông Nho hoàn toàn đủ điều kiện để được nhận hai căn hộ. Thiết nghĩ Ban BTGPMB Q.Gò Vấp cần nhanh chóng giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.