Theo ông Hưng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Một số nước trong khu vực như Nhật Bản có lãi suất cho vay thấp là vì những nước này môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát thấp duy trì trong nhiều năm; doanh nghiệp có khả năng hoạch định sản xuất kinh doanh cao; vốn sản xuất kinh doanh không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vốn cho phát triển rất lớn, các cân đối lớn nền kinh tế ổn định nhưng lạm phát chưa ổn định... đã ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay với các ngân hàng. So với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam ở mức 6- 11% một năm, ngoại tệ 3-4% một năm là mức tương đối hợp lý so với bối cảnh tương quan Việt Nam và khu vực.
Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Ông Hưng cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Trước áp lực nhu cầu vay vốn lớn, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng hiện là 50% và đầu năm 2018 sẽ là 40%. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì sẽ xem xét để có mức linh hoạt hơn.
Về điều hành tỷ giá Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành thận trọng để tránh cú sốc trong nền kinh tế. Xu hướng đồng đô la tăng giá trên trường quốc tế đã kéo theo những yếu tố đầu cơ, kỳ vọng tỷ giá tăng. Tuy nhiên kết hợp đồng bộ các công cụ điều hành thì tỷ giá đồng đôla Mỹ tăng 1,1-1,5%; thị trường ngoại hối trong nước ổn định so với các nước trong khu vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục từ trước đến nay.