Dù việc tiêm phủ vaccine được đẩy mạnh và đạt những con số ấn tượng, nhịp sống của trạng thái bình thường mới được thiết lập, nhưng thị trường bán lẻ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn khi khách thuê vẫn dè dặt quay lại thị trường

Ảnh: TTXVN

Giá thuê vẫn giảm

Nhịp sống bình thường mới đang dần trở lại khi người dân xác định sống chung với đại dịch. Tuy nhiên, thị trường bất động sản bán lẻ vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi giá thuê vẫn chưa nhúc nhích tăng.

Ghi nhận thực tế của Cafeland cho thấy những mặt tiền kinh doanh ở các phố lớn, vị trí đắc địa thuộc các quận trung tâm Hà Nội như Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Bông, Hàng Đào, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Ngô Quyền… (Hoàn Kiếm) hay Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Thành Công, Phúc Xá, Quán Thánh… (Ba Đình); Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hồ Đắc Di, Thái Hà, Thái Thịnh… (Đống Đa) vẫn duy trì mức giảm phổ biến là 15-30% so với các năm 2018-2019, lúc dịch bệnh chưa xuất hiện. Đây là khu vực mà thời kỳ hoàng kim từng có mức giá thuê lên tới 120-250 triệu đồng/tháng, nay dù giá thuê giảm nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm khách.

Không chỉ những mặt bằng lớn mà những mặt tiền kinh doanh nhỏ nằm trong các ngõ nhỏ cũng chịu tác động nặng nề. Cụ thể, giá thuê mặt tiền kinh doanh trong ngõ nhỏ khu vực Mễ Trì, Trung Văn, Đại Linh, Đại Mỗ, Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) dao động từ 4-7 triệu đồng/tháng, giảm trung bình 25% so với 3 năm trước.

Mặt tiền trong ngõ khu vực Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh, Dịch Vọng Hậu, Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy) giá thuê giảm từ mức 7-12 triệu đồng/tháng vào năm 2019 xuống còn còn 5-10 triệu đồng/tháng thời điểm hiện tại.

Tương tự, khu vực Lĩnh Nam, Nam Dư, Nguyễn An Ninh, Kim Đồng (Hoàng Mai) giá thuê phổ biến từ 6-11 triệu đồng/tháng xuống còn 5-9 triệu đồng/tháng. Khu vực Khương Đình, Thượng Đình, Hạ Đình (Thanh Xuân) giá giảm từ 6-11 triệu đồng/tháng xuống còn 4,5-9 triệu đồng/tháng.

Khách thuê vẫn dè dặt

Môi giới Phạm Đình Toản (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết dù các hoạt động kinh tế đã được mở cửa, nhưng khách thuê, đặc biệt là khách thuê phân khúc mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ, vẫn có tâm lý cân nhắc.

“Khách thuê có xu hướng nghe ngóng tình hình thị trường và dịch bệnh. Những người thuê mặt bằng nhỏ nằm trong các ngõ thường ít vốn, với khách hàng chính là sinh viên, công nhân, người lao động tự do. Ở thời điểm này, họ đang chờ đợi cho nhóm khách này quay trở Hà Nội đông đảo hơn để bắt tay triển khai việc kinh doanh”, anh Toản cho biết.

Chị Phạm Thị Hồng Minh, người từng kinh doanh quần áo tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm), cho biết năm ngoái chị đã trả mặt bằng do dịch bệnh. Chị Minh bán quần áo thời trang giá rẻ, hướng tới khách hàng là sinh viên, công nhân.

Nhưng dịch bệnh phức tạp năm ngoái đã khiến sinh viên phải học online ở nhà, công nhân rơi vào cảnh công việc bấp bênh nên thu nhập giảm. Nguồn thu từ cửa hàng quần áo giảm mạnh, lại thường xuyên phải đóng cửa vì giãn cách xã hội.

Sau Tết Nguyên đán, sinh viên dần quay trở lại giảng đường. Chị Minh đang xúc tiến việc tìm kiếm mặt bằng, dự định sau tháng Giêng sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm để xem xét đợt mở cửa lần này, xem dich bệnh diễn biến ra sao.

Dương Văn Định (Triều Khúc, Thanh Xuân) cho biết anh có ý định thuê mặt bằng để kinh doanh năm 2021 nhưng do dịch bệnh nên đã hoãn lại ý định này. Sau Tết Nguyên đán, việc tiêm phủ vaccine đã được đẩy nhanh, các hoạt động kinh tế dần quay lại quỹ đạo thời chưa có dịch nên anh quyết định mở mặt bằng kinh doanh quán ăn bình dân.

“Tôi nghĩ dịch bệnh Covid-19 bây giờ cũng giống như cúm mùa, người dân nên tìm cách thích nghi. Tôi không thể đợi hết dịch hoàn toàn mới kinh doanh được vì tôi cần phải lao động và kiếm tiền. Tôi đợi ra Giêng sẽ chính thức tìm mặt bằng kinh doanh để mở cửa hàng. Thuê mặt bằng thời điểm này tôi có lợi thế thuê được giá rẻ với mức giá chỉ bằng 2/3 so với khi chưa có dịch, hợp đồng thuê lại dài hạn”, anh Định cho biết.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.