Điều này lý giải tại sao ngày hôm qua, DMC ráo riết yêu cầu siêu thị Big C phải dời đi nhanh chóng, đồng thời thông tin đến các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh về việc “hợp đồng thuê nhà chấm dứt”.
Chủ nhà tránh mặt?
Một thông tin chưa chính thức cho biết, trong lúc bảo vệ của DMC bố trí rào chắn tại cửa siêu thị gây cản trở đường đi, xảy ra xô xát với các nhân viên bảo vệ của Big C, thì lãnh đạo DMC đã tiến hành bàn giao giấy tờ mặt bằng khu A Vĩnh Trung Plaza, khu vực mặt bằng cho siêu thị thuê, giáp với đường Hùng Vương (Đà Nẵng), cho đối tác mua tòa nhà.
Do đó, suốt thời gian xảy ra sự việc chắn cửa siêu thị Big C Đà Nẵng, gây tắc nghẽn giao thông tuyến đường Hùng Vương, không hề có một lãnh đạo chủ chốt nào của DMC ra mặt dàn xếp hay trao đổi. Kể cả khi ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng đến hiện trường, lãnh đạo DMC cũng “bặt vô âm tín”.
Lãnh đạo DMC tránh mặt trong buổi làm việc cùng các cơ quan chức năng địa phương và tòa án sáng 08/7/2016.
Đáng nói hơn, sau khi có chỉ đạo từ chính quyền, yêu cầu sáng 08/7/2016, hai bên cùng ngồi lại với đại diện Tòa án và phía thi hành án để xem xét sự việc, phía DMC cũng không hề xuất hiện. Sau hơn 1 giờ chờ đợi, lãnh đạo Big C đành đề nghị báo cáo tình hình với phía Tòa án, chính quyền, và đại diện các sở ngành hữu quan. Biên bản cuộc làm việc vì thế không có chữ ký của lãnh đạo DMC, đến tận chiều nay vẫn chưa thể xem là hoàn tất.
Theo đại diện Big C, những biểu hiện từ DMC cho thấy doanh nghiệp này cố tình tránh ra mặt, tránh đối thoại trực tiếp cùng các cơ quan quản lý về sự vụ, nhất là ở vai trò chấp hành những yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp với sự vụ trong quá trình chờ đợi Trọng tài phán quyết, mà Tòa án Nhân dân Đà Nẵng đã tuyên từ tháng 3/2016. Những tổn thất của Big C do các hành động từ DMC gây ra, vì thế cần được nhìn nhận nghiêm túc để nếu cần, phải đưa ra pháp lý xem xét bồi thường.
Cần nghiêm túc làm rõ!
Đối với sự vụ tranh chấp giữa DMC và Big C Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã chỉ đạo, các bên cần hết sức bình tĩnh để tránh làm tăng mâu thuẫn, làm xấu đi quan hệ đôi bên và ảnh hưởng đến tình hình chung. Phía DMC cần có trách nhiệm chấp hành các phán quyết từ tòa án, trong lần đầu tiên (ngày 07/7) có thể châm chước, nhưng nếu tái phạm sẽ buộc phải xử lý nghiêm, có thể phải xử phạt nặng theo quy định của pháp luật. Nếu sau đó, DMC vẫn cố tình gây ra những sự vụ tương tự, làm cản trở hoạt động kinh doanh của siêu thị Big C, chính quyền sẽ buộc phải đưa vấn đề sang góc độ hình sự hóa ở góc cạnh “chống lệnh tòa án”, và truy tố những hành động sai trái trước pháp luật.
Nhân viên Big C bày tỏ bất bình trước những hành động “kỳ quặc” của công ty DMC trong vụ tranh chấp.
Đặc biệt, theo nhìn nhận của một số luật sư ở Đà Nẵng, sự vụ cần được làm rõ từ gốc rễ vấn đề: do đâu mà DMC lại quyết liệt trong quan hệ hợp đồng với siêu thị Big C, nhất định chấm dứt hợp đồng và yêu cầu đối tác phải dời đi trong thời gian nhanh nhất? Với một quan hệ đối tác đã 10 năm, lựa chọn đối đầu như vậy là không hề bình thường, nhất định phải có căn nguyên và khi chưa có phán quyết tòa án, chưa thể nhận định chủ quan đúng sai của cả hai bên.
Có thể thấy, yếu điểm của DMC nằm ở hợp đồng đã ký có thời hạn 40 năm, một khi muốn đơn phương chấp dứt, doanh nghiệp phải bồi thường. Việc đòi hỏi đối tác phải di dời, trả mặt bằng trong một thời gian ngắn cũng rất phi lý, lãnh đạo DMC nhất định thấy điều đó. Vậy tại sao DMC lại bất chấp tất cả, không có một lý luận thương thảo nào trong hành động của mình, và với sự việc mới xảy ra, cũng hoàn toàn tránh né không hợp tác cùng các cơ quan quản lý chức năng?
Hơn nữa, nếu quả thật tòa nhà khu A Vĩnh Trung Plaza đã được DMC bán, thì việc siêu thị Big C chưa thể dời đi trong thời gian ngắn, trong bối cảnh tranh chấp chưa phán xử, cũng sẽ kéo theo ảnh hưởng quyền lợi đến đơn vị mua. DMC liệu đã tiên định được những rắc rối từ khía cạnh này, có đủ sức đối mặt với khả năng bị khiếu nại của cả đôi bên đối tác cùng bị ảnh hưởng và tổn thất tài chính đầu tư? Nếu theo phán quyết, Big C không phải dời đi, thì DMC sẽ đối xử thế nào với bên mua tòa nhà?
Rõ ràng với dư luận hiện tại, DMC không thể vịn lý do “công trình là của chúng tôi, nên chúng tôi có quyền yêu cầu chấp dứt hợp đồng cho thuê của đối tác” để bỏ qua mọi quan hệ giao dịch thương mại và dân sự, mọi đơn từ pháp lý liên quan. Công luận vì thế, thật sự đang cần có một lời giải thích minh bạch từ phía đơn vị doanh nghiệp này.