Đối tượng mạo danh người chồng đến văn phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền cho người vợ bán nhà, đất nhưng bị phát hiện và đã bỏ chạy.

Theo Bộ Công an, từ năm 2010 đến tháng 10-2019, cả nước có 292 vụ án/vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bằng hình thức mua bán nhà, đất.

Đang bị tạm giam vẫn ủy quyền bán đất

Ngày 6-8, Văn phòng công chứng (VPCC) Châu Á (quận 3, TP.HCM) tiếp nhận yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền của ông Dương Tuấn Anh. Theo đó, ông Tuấn Anh ủy quyền cho vợ là bà Trần Thị Tuyết Quyền thực hiện chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn… đối với nhà, đất của vợ chồng ông tại xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, Bình Dương.

Ông Tuấn Anh đến VPCC cung cấp hồ sơ trước, bà Quyền sẽ đến ký sau. Qua kiểm tra giấy tờ liên quan, công chứng viên nghi ngờ CMND của ông này có dấu hiệu bị làm giả nên đã trình báo Công an phường 6, quận 3, TP.HCM.

Khi công an đến, người này đã bỏ chạy và để lại toàn bộ bản chính giấy tờ liên quan gồm hai CMND mang tên Dương Tuấn Anh và Trần Thị Tuyết Quyền, hai giấy chứng nhận (GCN) nhà, đất trên.

VPCC đã chuyển hồ sơ liên quan đến Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM về việc phát hiện giấy tờ nghi bị làm giả trong quá trình giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng để xử lý theo thẩm quyền.

Đã khởi tố vụ án

Làm việc với Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM, bà Quyền cho biết CMND mang tên Trần Thị Tuyết Quyền là của bà. CMND này và bản chính hai GCN nhà, đất trên do người chị ruột ông Tuấn Anh giữ và làm mất. Bà Quyền đã làm đơn cớ mất CMND ngày 7-8 và trình báo việc mất bản chính hai GCN với Phòng TN&MT huyện Bến Cát ngày 10-8.

Theo bà Quyền, CMND mang tên Dương Tuấn Anh bị bỏ lại tại VPCC có thông tin về nhân thân của chồng bà nhưng hình ảnh là của người khác. Ông Tuấn Anh đang bị tạm giam tại Trại giam T17 (huyện Củ Chi, TP.HCM) từ ngày 29-8-2018 đến nay vì hành vi buôn lậu. Bà Quyền cho hay bà không liên hệ VPCC để thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản.

Người chị của ông Tuấn Anh cũng trình bày với nội dung tương tự và xuất trình bản chính giấy CMND mang tên Dương Tuấn Anh có thông tin trùng khớp với CMND được xuất trình tại VPCC nhưng hình ảnh khác nhau.

Mạo danh chồng ủy quyền bán đất cho vợ - ảnh 1

Giấy CMND mang tên Dương Tuấn Anh bị bỏ lại văn phòng công chứng nghi là giả mạo. (Ảnh do công chứng viên cung cấp)

Ngày 17-8, Thanh tra Sở Tư pháp đã có văn bản gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát thông báo việc đang tạm giữ hai GCN mà bà Quyền làm đơn cớ mất.

Theo đó, qua xác minh, Thanh tra sở nhận thấy ông Tuấn Anh đang bị tạm giam nên không thể đến VPCC để yêu cầu công chứng; một trong hai giấy CMND mang tên ông này là giả.

Tại các buổi làm việc, bà Quyền cho rằng hồ sơ nhà, đất bị mất, việc có người đến VPCC yêu cầu công chứng không liên quan đến bà. Thanh tra sở nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận bà Quyền có tham gia việc mạo danh chủ thể để yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền.

Để tăng cường xử lý nạn sử dụng giấy tờ trong hoạt động công chứng trên địa bàn TP.HCM, Thanh tra sở đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an quận 3 (TP.HCM) thông tin về vụ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tháng 10-2020, cơ quan điều tra trên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.•

Bốn lần giả chủ nhà lừa bán đất

TAND TP.HCM vừa tuyên phạt Trần Thị Phi 13 năm tù và Nguyễn Trung Hậu 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ thứ nhất: Năm 2015, vợ chồng chủ căn nhà ở quận 11, TP.HCM đăng báo rao bán nhà và có nhóm người đến hỏi mượn giấy tờ nhưng không mua. Vợ chồng chủ nhà bị tráo GCN và thông báo nộp thuế… Tiếp đó, Phi được thuê đóng giả vợ chủ nhà ký công chứng bán căn nhà trên với giá 700 triệu đồng.
Vụ thứ hai: Vợ chồng chủ nhà rao bán căn nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Nhiều người đến hỏi mua và phôtô giấy tờ nhà, đất. Ngày 15-6-2015, căn nhà được ký công chứng bán với giá 1,2 tỉ đồng. Trong vụ này, Phi và Hậu giả vợ chồng chủ nhà ký công chứng bán. Đến ngày 21-9-2015, vợ chồng chủ nhà đi ký công chứng bán nhà thì phát hiện nhà mình đã bị bán trước đó.
Vụ thứ ba: Chủ nhà đăng báo rao bán nhà ở quận 5, TP.HCM. Nhiều người hỏi mua và xin phôtô giấy tờ nhà, đất cùng CMND. Sau đó, họ xin xem bản chính giấy tờ nhà nhưng không mua. Sau đó, Phi giả chủ nhà ký công chứng bán nhà với giá 1 tỉ đồng. Ngày 4-3-2016, chủ nhà đi ký hợp đồng cho thuê nhà thì phát hiện nhà mình đã bị bán. Kiểm tra giấy tờ, chủ nhà mới biết đang giữ giấy giả, còn giấy thật đã bị đánh tráo bán nhà.

Vụ thứ tư: Năm 2016, khi chủ nhà rao bán căn nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM thì có người phụ nữ đến hỏi mua và phôtô giấy tờ nhà, đất cùng CMND, hộ khẩu nhưng sau đó không thấy quay lại. Cuối năm 2016, có hai người phụ nữ hỏi mua nhà, đòi xem bản chính giấy tờ nhà, đất và hẹn ngày trở lại đặt cọc nhưng không quay lại.

Ngày 2-12-2016, chủ nhà nghi ngờ bị tráo giấy tờ thật nên làm đơn ngăn chặn ở Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Bình. Ngày 5-12-2016, căn nhà trên được ký công chứng bán với giá 5 tỉ đồng nhưng sau đó không đăng bộ được do bị ngăn chặn. Trong vụ này, Phi đóng giả chủ nhà ký công chứng bán nhà.

Ngoài tuyên phạt các bị cáo mức án như trên, tòa còn tuyên vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất do Phi và Hậu giả chủ nhà đi ký công chứng và giành quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác cho các bên tham gia giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng các căn nhà nêu trên.

Kim Phụng (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.