Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vừa được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận "không thừa không thiếu”. Chính vì vậy, có thể coi đây là thời điểm thích hợp để bàn về câu chuyện hạ lãi suất vốn đã được số đông doanh nghiệp kỳ vọng lâu nay.
Manh nha kỳ vọng giảm lãi suất
Từ quý 2 trở đi lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt
vì lượng tiền bơm ra của NHNN trong vài tháng qua

tăng khá mạnh, trong khi đó lượng tiền gửi tiết kiệm

từ dân cư trong những ngày sau Tết cũng đã có dấu hiệu tăng lại

Ảnh: Hoàng Long

Nút thắt thanh khoản đã được gỡ?

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng khẳng định chưa thể hạ lãi suất và dỡ bỏ trần lãi suất huy động cho đến ít nhất tháng 6 tới. Bởi theo ông, ngoài điều kiện cần là yếu tố lạm phát (đã giảm nhiệt) thì để giảm lãi suất vẫn buộc phải có thêm điều kiện đủ là giải quyết vấn đề khó khăn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.


Còn tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ quý 1 (4-2) vừa qua, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Thị Hồng đã phát đi thông tin: Thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được đảm bảo. Sau Tết, tiền đã quay trở lại các ngân hàng và thanh khoản rất dồi dào. Các tổ chức tín dụng cũng đang cơ cấu lại danh mục tài sản và vấn đề đảm bảo thanh khoản thời gian tới chắc chắn sẽ được cải thiện.


Một số ý kiến cho rằng, vậy tại sao lãi suất chưa giảm? Lãi suất là câu chuyện đa chiều? Ông Nguyễn Trọng Tài, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích, có 3 yếu tố cấu thành lãi suất: lạm phát, kỳ vọng (thị trường), cung tiền trong nền kinh tế. Cung tiền trong nền kinh tế gắn liền với kênh trực tiếp đầu tư chứng khoán và qua kênh phân phối gián tiếp là ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong khi đó, đối với thị trường chứng khoán, vốn chỉ nằm trong giấy bởi thực tế có hàng ngàn doanh nghiệp thua lỗ. Vốn trên thị trường được cung ứng ra hiện nay vẫn do ngân hàng đảm nhận trọng trách chính. Việt Nam tăng trưởng tín dụng cao trong khi vốn thu về lại không đáp ứng đủ. Đấy chính là nút thắt của thanh khoản đang còn sót lại. Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản cũng chỉ là một biểu hiện và đã là biểu hiện thì có thể chữa được.


Nhưng bằng cách nào? Việc để cho đâu đó xảy ra tình trạng lách lãi suất, tình trạng liên ngân hàng vay tiền lẫn nhau buộc phải có tài sản tín chấp là minh chứng cho việc: các ngân hàng không tin nhau. Nếu ngân hàng không tin nhau thì sao lại buộc người dân tin vào ngân hàng. Tuy nhiên vừa qua NHNN đã có biện pháp cụ thể, cung tiền để cứu những ngân hàng nhỏ có tính thanh khoản thấp. NHNN phải kiên quyết ép chặt lãi suất huy động 14% để thị trường ngân hàng hoạt động bình thường, có nghĩa là tạo được niềm tin.


Ông Tài cũng cho rằng, NHNN đã từng khẳng định, nâng cao tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng bằng cách mạnh tay hơn trong việc cung tiền để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc cung tiền của NHNN cho các tổ chức tín dụng sẽ ở mức độ phù hợp để tránh ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, không cung tiền trên diện rộng mà khoanh vùng ngân hàng. Và nếu như lộ trình này được thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn tin tưởng rằng lãi suất sẽ có cơ sở giảm.


Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa khi trả lời báo chí cho biết, trong năm 2012 lãi suất chắc chắn sẽ giảm, nhưng ông lưu ý vấn đề quan trọng cần giải quyết chính là thanh khoản của ngân hàng nhỏ. Nếu làm tốt vấn đề này thì mới mong lãi suất giảm sớm. Vì thực tế nếu phải huy động vốn với giá cao thì không thể cho vay với giá thấp được, đồng thời số tiền huy động được cũng chỉ đủ để bù đắp khoản thiếu hụt nên khó có thể cho vay nhiều.


Manh nha kỳ vọng giảm lãi suất

Năm 2012, xu hướng giảm lãi suất sẽ có thể thực hiện được
Ảnh: Hoàng Long

Chỉ là quyết định sớm chiều


Dấu hiệu giảm nhiệt lãi suất cũng được hé ra khi theo NHNN, ngày 4-2, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng ở mức 9,5%/năm, mức thấp nhất của kỳ hạn này kể từ 8-10-2010. Đây cũng là lần đầu tiên lãi suất bình quân liên ngân hàng của một kỳ hạn xuống dưới 10%/năm kể từ đầu 2011.


Xác nhận cơ sở để lãi suất cho vay có thể hạ nhiệt, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho biết, khả năng hạ lãi suất là có. "Bản thân tôi tin rằng, đó chỉ là quyết định chờ thời gian bởi tỷ giá theo tình hình thực tế hiện nay là không căng, thanh khoản không còn nhiều bất cập”.


Theo thông tin từ các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất cho vay dao động từ 18% đến 21% tùy theo tình hình tài chính, quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Tại các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất phổ biến từ mức 19% đến 23%.


Giám đốc một chi nhánh cho biết, lãi suất thấp nhất mà ngân hàng ông đang áp dụng vào khoảng 18%, mức cao nhất là 21%. Theo vị này, mức trên giảm khoảng hơn 1 điểm % so với trước Tết. Hiện tại ngân hàng chú trọng cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tình hình tài chính lành mạnh để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Ông cũng cho rằng, từ quý 2 trở đi lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt vì lượng tiền bơm ra của NHNN trong vài tháng qua tăng khá mạnh, trong khi đó lượng tiền gửi tiết kiệm từ dân cư trong những ngày sau Tết cũng đã có dấu hiệu tăng lại. "Nếu NHNN kiên quyết với lộ trình hợp nhất ngân hàng yếu và sự đồng lòng của các ngân hàng thì lãi suất có thể giảm”.



NHNN theo dõi tình hình để có phương án giảm lãi suất


Chính phủ vừa có chỉ đạo, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.



Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quý I/2012, phải có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.



Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn...


T.H

Theo Thúy Hằng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh