Các vấn đề đặc trưng của châu Á
Để đánh giá triển vọng của châu Á, trước tiên chúng ta phải nhìn vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực cho đến nay. Tại đây, tâm lý trong ngắn hạn đang khá tiêu cực như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mặc dù những động thái gần đây đã bắt đầu cho thấy triển vọng tích cực hơn.
Việc Trung Quốc thực hiện chính sách zero-Covid đã khiến nền kinh tế nước này phải trả giá đắt trong ngắn hạn. Sự thay đổi gần đây và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại sẽ giúp giảm bớt áp lực, tuy nhiên các vấn đề về mặt cơ cấu vẫn còn tồn tại. Với các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng và dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đại dịch sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động M&A liên quan đến Trung Quốc vào năm 2023.
Cuộc chiến thương mại với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có rất ít dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù những nhận xét gần đây của tân Ngoại trưởng Trung Quốc cho thấy hai nước đang tìm cách bình thường hóa quan hệ. Cho đến thời điểm đó, căng thẳng vẫn tiếp tục tồn tại, gần đây nhất là việc các quốc gia áp dụng xét nghiệm Covid-19 đối với du khách Trung Quốc nhập cảnh (và Trung Quốc có thể làm điều tương tự). Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt để loại bỏ Trung Quốc khỏi việc mua bán một số chất bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bởi thiết bị của nước này và cấm người Mỹ hỗ trợ Trung Quốc phát triển chip. Những căng thẳng như vậy cho thấy ngành M&A của Trung Quốc có thể trở thành trọng tâm trong nước hơn, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và mong muốn tự cung tự cấp của các quốc gia ngày càng lớn.
Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã trở nên quá tải trong những năm gần đây và các nhà phát triển lớn nhất của quốc gia này đã vỡ nợ với số tiền khổng lồ. Sau khi tập đoàn bất động sản Evergrande không trả được nợ vào tháng 12 năm 2021, số phận của một số công ty cùng ngành dường như còn chưa rõ khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc.
Tương tự, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền các thành phố tại Trung Quốc đã phát hành trái phiếu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Khoản nợ này – khoảng 8.000 tỷ USD – gần như vượt quá khả năng thanh toán tính đến thời điểm tháng 10 năm 2022. Mặc dù rất có thể chính quyền trung ương sẽ can thiệp để ngăn chặn bất kỳ tình trạng vỡ nợ nguy hiểm nào về mặt hệ thống hoặc sự sụp đổ của một công ty lớn, hoặc thậm chí là toàn bộ ngành, những ví dụ này nhằm chứng minh vị trí đầy thách thức mà các bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải và những khó khăn sẽ cần phải vượt qua.
Trong vài tháng qua, Hồng Kông đã vạch ra một lộ trình ít nghiêm ngặt hơn đối với các hạn chế Covid-19 của mình so với khu vực đại lục, ưu tiên mở cửa cho hoạt động kinh doanh quốc tế trước khi mở lại các liên kết với khu vực này. Tuy nhiên, những tác động dây chuyền từ việc mở cửa trở lại (bao gồm hạn chế về nguồn lực và nhân sự) và lãi suất cao cùng với lượng người di cư đáng kể, rất có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng vào năm 2023 của Hồng Kông, kéo dài thêm khoảng thời gian 4 năm qua vốn đã rất khó khăn với thành phố này.
Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam, tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng M&A nhanh chóng, nhờ hoạt động sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang khi các công ty tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng của mình. Trước đây, đây là hệ quả của việc hoạch định chính sách ngày càng hạn chế và bảo hộ bắt nguồn từ phương Tây nhưng cho đến gần đây, nó cũng được củng cố bởi chính sách zero-Covid của Trung Quốc.
Dấu hiệu lạc quan đáng chú ý nhất trong khu vực là Ấn Độ, nơi tăng trưởng hàng năm tiếp tục ở mức gần 7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo rằng Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trong năm nay. Nền kinh tế Ấn Độ đang mở rộng từ một nền tảng tương đối thấp và đang thu hút các nhà đầu tư quốc tế, điều mà Trung Quốc từng thống trị trước đây.
Triển vọng 2023
Bất chấp những thách thức rõ ràng, vẫn có cơ sở để lạc quan về hoạt động M&A tại châu Á khi bước sang năm 2023. Các giao dịch M&A liên quant tới tái cấu trúc đang gia tăng, trong khi các thương vụ mua lại những tài sản nợ xấu sẽ diễn ra sau. Các tập đoàn và tổ chức tài chính đang chịu áp lực phải hợp lý hóa hoạt động của mình, phân phối tiền mặt cho các cổ đông, và bán bớt các tài sản phi chiến lược để tập trung vào các năng lực cốt lõi, từ đó thúc đẩy hoạt động M&A.
Khi chuyển đổi năng lượng trở thành chủ đề nóng trong những năm tới, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các sáng kiến xanh khác sẽ được ưu tiên và thực sự được các chính phủ khuyến khích. Các công ty đa quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống đang chịu áp lực rất lớn trong việc tập trung lại các mô hình kinh doanh. M&A cung cấp cho họ một lộ trình để tăng tài sản năng lượng tái tạo trong danh mục đầu tư, thay vì bắt tay vào các dự án dài hạn để chuyển đổi các cơ sở hiện có. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm, cũng như dược phẩm và công nghệ sinh học, nói chung đang có xu hướng tăng dài hạn trên toàn khu vực khi nhân khẩu học chuyển sang dân số già và giàu có hơn, cần được chăm sóc y tế lâu dài. Nếu người mua sẵn sàng đáp ứng mức định giá vẫn còn cao trong các lĩnh vực này, thì sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A được thực hiện.
Vốn cổ phần tư nhân vẫn có một lượng lớn tiền huy động để sử dụng. Mặc dù có thể cần triển khai nhiều vốn chủ sở hữu hơn trong các cấu trúc giao dịch do chi phí đi vay đắt hơn, nhưng áp lực từ các nhà đầu tư trong việc triển khai vốn cam kết chắc chắn sẽ khiến dòng giao dịch tiếp tục, mặc dù ở mức thấp hơn và tốc độ chậm hơn trước. Ngoài ra, các quỹ tư nhân có thể đi đầu để lấp đầy khoảng trống tài trợ do các ngân hàng ngại rủi ro để lại. Thị trường thậm chí có thể sẽ đón nhận sự tham gia của các quỹ hưu trí của Úc, Canada và Hoa Kỳ.
Mặc dù năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm đầy thách thức nói chung với thị trường M&A tại châu Á, nhưng cơ hội đang chờ đợi những người có tầm nhìn chiến lược rõ ràng và sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn.
-
Bất động sản Việt Nam 2023: Dự báo M&A tiếp tục sôi động
Khi doanh nghiệp bất động sản nội địa đang đứng trước tình cảnh khó khăn với tín dụng siết chặt và nguồn vốn huy động hạn chế, thì lợi thế chuyển dần sang cho các chủ đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ hơn.