Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang trong quá trình tiến hành xử lý các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt.

Với chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc ngành đã được Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang trong quá trình tiến hành xử lý các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt. Trong đó, sáp nhập, hợp nhất (M&A) là hình thức được sử dụng phổ biến trong quá trình này.

Nguyên Thống đốc NHNN, ông Lê Đức Thúy cho rằng, M&A là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc ngành mà Chính phủ và NHNN đang thực hiện. Vì thế, tiềm năng cho hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng còn rất lớn. Trong khi đó, việc tái cơ cấu của ngành ngân hàng hiện chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, mới sắp xếp được thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Ông Thúy cho rằng, tiếp sau việc tái cơ cấu thanh khoản của các nhà băng nhỏ, yếu kém thì xử lý nợ xấu tồn đọng của các ngân hàng là một hoạt động cần tiến hành cấp bách.

Trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những trọng điểm được Chính phủ phê duyệt và ban hành đề án tái cấu trúc sớm nhất. Nguyên nhân là nếu thanh khoản của ngành ngân hàng có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Khi hệ thống ngân hàng lành mạnh thì nền kinh tế cũng sẽ phát triển tốt hơn.

Hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là trong khu vực tài chính - ngân hàng. Xu hướng M&A trong lĩnh vực này được dự báo sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, các NHTM Việt Nam, ngoài việc vốn điều lệ còn thấp, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu) cũng chưa cao. Tại hầu hết các ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản hiện chỉ hơn 10%, trong khi tỷ lệ này ở đa số các nước vào khoảng 20%. Đây là một chỉ dấu cho thấy sự yếu kém tồn đọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng mạnh.

“M&A ở lĩnh vực ngân hàng không hẳn là phép cộng, mà cần có sự cải tổ và đẩy mạnh phát triển hậu M&A”

Vì thế, tái cơ cấu hoạt động và tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng là một hoạt động dù cấp bách nhưng cũng cần được tiến hành một cách thận trọng và bài bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sáp nhập các ngân hàng còn có phần vội vã. Cũng theo ông Chí, tái cơ cấu ngân hàng không đơn thuần là giảm số lượng để NHNN dễ bề quản lý, mà thông qua hình thức M&A, đây được xem là một cuộc cải tổ sâu đậm trong hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hạ Bá Trực, Giám đốc Đầu tư và cố vấn HĐQT HDBank đưa ra nhận định, các động lực thúc đẩy M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là định hướng của Chính phủ và NHNN về việc thực hiện đề án tái cấu trúc ngành. Đồng thời, áp lực cạnh tranh tăng cao cũng khiến các ngân hàng, nhất là đơn vị nhỏ, phải tính đến việc hợp nhất để tăng quy mô. Về yếu tố khách quan, giá cổ phiếu của các NHTM cổ phần hiện khá thấp cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện hoạt động thâu tóm.

Theo ông Trực, M&A là chiến lược hiệu quả để gia tăng khách hàng, phát triển mạng lưới kinh doanh cũng như gia tăng thị phần của các ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, 70% thương vụ M&A thất bại trong quá trình hậu sáp nhập, do bỏ qua các thách thức tiềm ẩn về việc tích hợp, đánh giá quá cao sức mạnh tổng hợp mà chưa lường hết các phức tạp có thể nảy sinh.

“Ngay cả các thương vụ M&A tốt nhất cũng có thể thất bại do quá trình tích hợp yếu kém”, ông Trực nhận định.

Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - tiền tệ (NHNN), ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, hiện NHNN đang gấp rút triển khai các giai đoạn trong đề án tái cấu trúc. Theo ông Nghĩa, vốn là vấn đề thiết yếu trong việc thực hiện tái cấu trúc, nhưng không phải là tất cả, mà quan trọng hơn vẫn là vấn đề quản trị của các ngân hàng.

Hiện nay, NHNN đang từng bước xử lý các ngân hàng yếu kém, thiếu thanh khoản nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt, nhưng chưa thể công bố danh sách. Vì thế, xu hướng M&A ở lĩnh vực ngân hàng được ông Nghĩa nhận định, sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thách thức đối với việc tái cấu trúc ngành ngân hàng hiện nay cũng không nhỏ. Nguyên nhân do các cân đối vĩ mô của Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định tác động đến hoạt động tái cấu trúc. Mặt khác, M&A ở lĩnh vực ngân hàng không hẳn là phép cộng, mà cần có sự cải tổ và đẩy mạnh phát triển hậu M&A.

“Đó mới là tinh thần và ý nghĩa của việc thực hiện đề án tái cấu ngành ngân hàng mà NHNN đang làm”, ông Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, sắp tới, nếu các ngân hàng quy mô nhỏ và yếu kém không sáp nhập hoặc tìm đối tác hợp nhất, chắc chắn, khó tránh được việc bị “gom” vào với nhau khi đề án tái cấu trúc ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ. ­

Ông Nghĩa cho biết, đến nay, đề án tái cơ cấu đã dần hoàn tất giai đoạn thứ nhất, đó là tái cơ cấu thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém thông qua hình thức M&A. Bước thứ hai trong tiến trình thực hiện đề án tái cấu trúc ngân hàng là xử lý nợ xấu. Sau khi giải quyết xong vấn đề nợ xấu, NHNN sẽ tiến hành tái cấu trúc về tổ chức hoạt động, tái cơ cấu chiến lược, thiết kế lại hệ thống quản trị rủi ro ngân hàng.

Ông Yutaka Abe thuộc Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) - thành viên HĐQT Vietcombank - cho biết, ngành ngân hàng Nhật Bản cũng đang dần thu hẹp về số lượng. Vì thế, các tập đoàn tài chính Nhật Bản đang từng bước tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài thông qua hình thức M&A. Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam là một trong những địa bàn chiến lược được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắm đến. Vì thế, trong thời gian tới, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua hoạt động M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ được cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.