Với mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng, NHNN đang đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cấu trúc ngành. Trong đó, các ngân hàng nhỏ, yếu kém phải sớm tái cơ cấu và nếu không đủ lực để đứng vững thì phải sáp nhập hoặc hợp nhất.
Từng có thông tin DaiA Bank sẽ hợp nhất với HDBank
Nóng ngay đầu năm
Nằm trong danh sách buộc phải tái cơ cấu, GP.Bank, Navibank, TrustBank và Western đang chạy nước rút để thực hiện.
WesternBank và TrustBank cho biết, hai ngân hàng đã có phương án tự tái cấu trúc gửi lên NHNN và Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ TrustBank được Chính phủ và NHNN phê duyệt phương án tái cấu trúc, còn WesternBank vừa được ĐHCĐ thông qua việc hợp nhất với PVFC.
Được chấp thuận về chủ trương của NHNN, chiến lược tái cấu trúc đã được TrustBank hoạch định. ĐHCĐ bất thường TrustBank diễn ra ngày 15/1/2013 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đa số cổ đông thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thành công đề án tự tái cấu trúc Ngân hàng.
HĐQT TrustBank cho biết, họ sẽ tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách. Đây là điểm cốt yếu trong chiến lược tái cấu trúc TrustBank, nhằm chủ động giải quyết các vấn đề nội tại. ĐHCĐ TrustBank đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó, cổ đông mới mua lại 84% cổ phần, còn cổ đông chiến lược Thiên Thanh dự kiến sở hữu 9,67%.
ĐHCĐ WesternBank ngày 16/3 đã thông qua nguyên tắc hợp nhất với PVFC và theo Đề án hợp nhất, Ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng (gồm 6.000 tỷ đồng vốn điều lệ của PVFC và 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ của WesternBank).
Hai ngân hàng Navibank và GP.Bank đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì về việc tái cơ cấu. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, đề án tái cấu trúc của Navibank đã được NHNN TP. HCM chuyển lên Ngân hàng Trung ương, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi. Phía Navibank cũng từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan.
Trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng được Chính phủ phê duyệt và ban hành đề án tái cấu trúc sớm nhất trong tất cả các lĩnh vực. Bởi khi thanh khoản của ngành ngân hàng suy kiệt sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Ngược lại, hệ thống ngân hàng lành mạnh thì nền kinh tế cũng sẽ phát triển tốt hơn.
Thị trường đang ngóng chờ kết quả thương vụ hợp nhất giữa HDBank và DaiA Bank. Tuy không nằm trong danh sách tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, song trong bối cảnh hoạt động ngân hàng nhiều áp lực và bản thân còn nhiều vấn đề tồn tại, DaiA Bank tự quyết định phải tái cấu trúc. Thông tin DaiA Bank hợp nhất vào HDBank đã được lan truyền từ những tháng cuối năm 2012, nhưng cả hai bên đã phủ nhận.
Kiên quyết M&A
Trước thềm mùa ĐHCĐ năm nay, các nhà băng nhỏ cho biết, họ đã sẵn sàng trả lời các câu hỏi của cổ đông về vấn đề này. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng quy mô vốn hơn 3.000 tỷ đồng cho hay, trước bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, việc gọi thêm vốn từ cổ đông chiến lược để nâng cao tiềm lực tài chính là không dễ dàng. Do đó, bản thân ngân hàng ông muốn tự phát triển bằng nội lực cũng rất khó.
Sức ép tăng vốn, tái cơ cấu không đến với các ngân hàng bị NHNN chỉ đích danh phải làm mà còn đặt lên vai các ngân hàng khác, đặc biệt khi Thông tư 07/2013/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 27/4/2013 tới đây. Thông tư quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, khi bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, nếu không thể tăng được vốn điều lệ, NHNN sẽ yêu cầu chủ sở hữu TCTD xây dựng, trình kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các ngân hàng khác. Đồng thời, NHNN có quyền thực hiện hoặc chỉ định TCTD khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD không thể thực hiện được yêu cầu tăng vốn hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD bị kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP. HCM, cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem là khâu trọng tâm, cần được triển khai nhanh.
“Cùng với quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2013, Chính phủ cần kiên quyết hợp nhất, sáp nhập hoặc quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém và mất vốn điều lệ, nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng”, TS. Ngân nhấn mạnh.
Một nguyên Thống đốc NHNN nhận định, M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục “nóng” trong thời gian tới khi NHNN đẩy mạnh việc tái cơ cấu ở các ngân hàng nhỏ, yếu kém.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã khá ổn định, thanh khoản không còn là nguy cơ lớn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc về tổ chức và hoạt động của NHTM mới là điều quan trọng. Đây là cấu phần mang tính hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, bao gồm: quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, giám sát an toàn, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính; chuẩn mực thông tin và hạ tầng kỹ thuật; chuẩn mực dịch vụ và sản phẩm…
“Cấu phần này có thể kéo dài vài ba năm với rất nhiều quy định mới mà tất cả các NHTM phải tuân thủ, để đảm bảo không tái diễn nợ xấu và mất thanh khoản. Hiện tại, NHNN đang gấp rút chuẩn bị hàng loạt quy định và chuẩn mực để ban hành thực hiện từ năm 2013”, ông Nghĩa cho biết.