Mùa ĐHĐCĐ của các ngân hàng năm nay dự kiến đến sớm hơn năm trước.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, ĐHĐCĐ Sacombank năm nay (dự kiến tổ chức ngày 25/3) sẽ có nhiều điểm nóng, trong đó có sự biến động về nhân sự cấp cao. Sacombank cũng vừa đưa ra nghị quyết của HĐQT về cổ tức năm 2013, sử dụng cổ phiếu quỹ và thặng dư vốn, mở lại tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vấn đề được giới đầu tư, kinh doanh chứng khoán quan tâm là vị trí nhân sự cấp cao nào sẽ có sự thay đổi và ai sẽ là người tiếp tục ngồi ghế “nóng” của Sacombank, khi thông tin trên thị trường đang lan truyền rằng, sẽ tiếp tục có sự chuyển giao quyền lực tại nhà băng này. Đồng thời, kế hoạch hợp nhất với Eximbank như cam kết đã được ký vào đầu năm 2013 có tiếp tục duy trì hay Sacombank sớm thực hiện kế hoạch sáp nhập thêm một ngân hàng khác quy mô nhỏ hơn… cũng đang được nhà đầu tư quan tâm.
Không chỉ với ngân hàng ăn nên làm ra được nhà đầu quan tâm, mà ngay cả những nhà băng hoạt động kém hiệu quả cũng khó tránh được việc chất vấn các vấn đề nóng của cổ đông.
Southern Bank vừa có thông báo bằng văn bản đến cổ đông về ngày chốt danh sách tiến hàng ĐHĐCĐ năm 2014. Theo đó, ngày 26/2 là ngày cuối cùng, Southern Bank chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm nay. Tuy nhiên, về ngày tiến hành ĐHĐCĐ, Southen Bank vẫn chưa tiết lộ, mà cho biết sẽ thông tin đến cổ đông sau 15 ngày chốt danh sách.
Trong năm qua, kết quả hoạt động của Southern Bank không mấy hiệu quả khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm chưa đạt 50% kế hoạch cả năm là 650 tỷ đồng trước thuế, trong khi nợ xấu tăng lên xấp xỉ 4%.
Tương tự, với Eximbank, lợi nhuận năm 2013 chỉ đạt hơn 30% kế hoạch đưa ra là 3.200 tỷ đồng, song nợ xấu của ngân hàng này có dấu hiệu tăng, khiến trích dự phòng lớn.
Các vấn đề nóng về lợi nhuận, kết quả tái cấu trúc trong 2 năm qua và làn sóng M&A thời gian tới cũng như biến động nhân sự cấp cao… sẽ được phơi trần tại mùa ĐHĐCĐ này.
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu hoàn tất tiến độ thực hiện là cuối năm 2014. Vì thế, trong kỳ đại hội lần này, dự kiến tổ chức vào ngày 17/3, SCB sẽ trình cổ đông phương án tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ so với mức hiện tại trên 12.000 tỷ đồng, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính đẩy nhanh việc tái cơ cấu.
Không chỉ SCB, mà
Navibank, Western Bank, VNCB… cũng là những cái tên nằm trong diện tái cơ cấu theo yêu cầu bắt buộc của Chính phủ. Sau hợp nhất và bán lại, các nhà băng trên đã bắt tay thực hiện đề án tái cấu trúc theo yêu cầu và đề án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Thế nhưng, đến nay, quá trình tái cơ cấu và kết quả thực hiện đề án của
Navibank, VNCB vẫn chưa hề được tiết lộ, kể cả vấn đề về xử lý nợ xấu.
Một vấn đề khác cũng hứa hẹn làm nóng mùa ĐHĐCĐ ngân hàng năm nay là kế hoạch tăng vốn điều lệ của một số nhà băng, như VietABank, NamA Bank,
Navibank… do tình hình thị trường khó khăn, chứng khoán suy giảm và giá cổ phiếu ngành ngân hàng rơi vào vùng nhạy cảm, khi NHNN thực hiện đề án tái cơ cấu ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ phải đối mặt với xu hướng hợp nhất hoặc sáp nhập, bán lại để tồn tại…
Để có thể tránh làn sóng M&A ngày một nóng lên trong lĩnh vực tài chính kể từ những ngày đầu NHNN triển khai đề án tái cơ cấu ngành, các nhà băng nhỏ đã lên kế hoạch huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu cũng như cổ đông mới và cả vốn từ cổ đông nước ngoài, với kỳ vọng tăng thêm tiềm lực tài chính, củng cố nội lực để tồn tại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ngân hàng nào thực hiện được kế hoạch đó.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, để tồn tại và phát triển, các ngân hàng nhỏ không còn cách nào khác ngoài con đường M&A. Vì thế, ngay từ thời điểm này, các ngân hàng nên tìm đối tác để M&A.