25/03/2024 10:05 AM
Dù đối diện hàng loạt cáo trạng, Trump vẫn được nhiều người Mỹ coi trọng vì nhiều lý do, trong đó trọng tâm là vấn đề kinh tế của nước này.

Donald Trump từng là tổng thống ít được yêu thích nhất và bị gần 2/3 người dân Mỹ chỉ trích vào thời điểm ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, mức độ yêu thích của công chúng dành cho ông đang ngày càng gia tăng.

Cuộc thăm dò mới nhất của New York Times/Siena cho thấy mức độ tín nhiệm của ông đạt 44%, cao hơn đối thủ đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden, người nhận được tỷ lệ ủng hộ 38%. Khi quan điểm về Tổng thống Biden ngày càng tiêu cực, cái nhìn của người Mỹ với Trump lại tích cực hơn.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Richmond, Virginia, ngày 2/3. Ảnh: Reuters

Qua hàng loạt cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ cựu tổng thống Trump dường như đã ổn định ở mức cao hơn ba năm trước. Quan điểm về ông được cải thiện một cách khiêm tốn trong dư luận Mỹ nói chung, nhưng thực sự đã tăng đáng kể trong nhóm người Mỹ da màu, gốc Latin, cử tri trẻ tuổi và người thuộc tầng lớp lao động.

Trong các cuộc khảo sát của Gallup đối với người trưởng thành Mỹ cuối năm 2023, tỷ lệ ủng hộ Trump đạt mức cao nhất kể từ trước cuộc bầu cử năm 2020.

Trong nhóm người trẻ, tuổi từ 18 đến 34, mức độ nổi tiếng của Trump đã hồi phục sau khi giảm mạnh vào thời điểm ông tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Khoảng 42% thanh niên Mỹ có thiện cảm với ông vào tháng 10/2020, nhưng giảm xuống còn 28% vào tháng 1/2021, sau vụ bạo loạn Đồi Capitol. Đến tháng 12/2023, mức độ yêu thích của họ dành cho cựu tổng thống đã tăng trở lại mốc 42%.

Mô hình tương tự cũng diễn ra ở nhóm người Mỹ không phải da trắng, 27% trong số họ có thiện cảm với Trump vào tháng 10/2020. Tỷ lệ này giảm xuống 15% vào tháng 1/2021 nhưng tăng trở lại 28% vào tháng 11/2022. Xu hướng phục hồi thậm chí còn rõ rệt hơn ở nhóm người Mỹ kiếm được dưới 40.000 USD một năm. 37% nhìn nhận Trump một cách tích cực vào tháng 10/2020, sau đó giảm xuống 32% vào tháng 1/2021 nhưng tăng lên 48% vào tháng 12/2023.

"Nhìn chung, quan điểm tích cực về Trump đã trở lại mức cơ bản", Lydia Saad, giám đốc nghiên cứu xã hội Mỹ tại tổ chức khảo sát dư luận Gallup, cho hay. "Đối với những người trẻ tuổi, tình hình đã quay trở lại như trước vụ bạo loạn Đồi Capitol. Có vẻ như ông ấy chưa khôi phục được tín nhiệm ở nhóm những người trưởng thành da trắng, nhưng đã vượt mức cơ bản trong các nhóm sắc tộc khác".

Theo giới chuyên gia, đà khôi phục tín nhiệm của cựu tổng thống có thể bắt nguồn từ ba lý do.

Đầu tiên, ông đang hưởng lợi vì tâm lý bi quan của công chúng trước nền kinh tế Mỹ.

Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, nền kinh tế trở thành câu chuyện chính được thảo luận trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Đây luôn là vấn đề hàng đầu đối với tất cả cử tri, đặc biệt đối với người Mỹ da màu, người Latin và tầng lớp lao động.

Trump đã lấy nền kinh tế đang bùng nổ trước đại dịch làm trọng tâm trong nỗ lực tái tranh cử của mình 4 năm trước và ông đang tiếp tục sử dụng nó làm lập luận trọng tâm chống lại ông Biden trong cuộc tái đấu năm nay.

Lạm phát, lãi suất tăng và quan điểm trái chiều về quá trình phục hồi sau Covid-19 là những gánh nặng lớn nhất của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ. Ngược lại, nó cũng có thể là một trong những "tài sản" lớn nhất với cựu tổng thống Trump trong nỗ lực xây dựng lại danh tiếng.

Ví dụ trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena, cử tri Latin đang cảm thấy nền kinh tế tồi tệ hơn. Tương tự, các cử tri trẻ, dưới 30 tuổi, bi quan về nền kinh tế hơn so với nhóm lớn tuổi.

73% cử tri da trắng đánh giá nền kinh tế hiện tại bằng hoặc kém hơn so với thời Trump, trong khi 74% cử tri da màu và 84% người gốc Latin có quan điểm này. Trong nhóm trẻ tuổi, 86% có nhận định tương tự, cao hơn 8 điểm phần trăm so với những người từ 30 đến 44 tuổi.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tâm lý bất mãn này. Theo bình luận viên chính trị Nicole Narea từ trang tin Vox, người Mỹ vẫn cho rằng nền kinh tế dưới thời Biden tồi tệ hơn thời Trump, mắc dù nhiều dấu hiệu lạc quan đã xuất hiện. Niềm tin kinh tế sụt giảm, mối lo ngại tăng lên và người Mỹ đang nợ thẻ tín dụng ngày càng nhiều khiến bức tranh toàn cảnh trở nên ảm đạm đối với đa số công chúng.

Cùng lúc, nhiều người Mỹ nhớ đến nền kinh tế thời Trump theo cách tích cực hơn so với cách họ nhìn nhận nền kinh tế hiện tại. Một cuộc thăm dò của CBS News/YouGov tháng qua cho thấy 65% người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ khi cựu tổng thống Trump điều hành là "tốt", trong khi chỉ 38% đánh giá như vậy đối với nền kinh tế thời Biden.

Quan điểm tương tự cũng xuất hiện trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena. Người Mỹ thuộc mọi chủng tộc, độ tuổi và giới tính đều cảm thấy các chính sách của Trump, nhất là kinh tế, mang đến nhiều lợi ích hơn cho họ so với những gì Tổng thống Biden đang thực hiện.

Một số tác động kinh tế từ đại dịch trong cả hai nhiệm kỳ tổng thống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng điều này không làm thay đổi niềm tin của không ít người rằng Tổng thống Biden phải chịu nhiều trách nhiệm nhiều hơn người tiền nhiệm Trump về tình trạng nền kinh tế.

Đà hồi phục mạnh mẽ trong tỷ lệ ủng hộ Trump còn có thể bắt nguồn từ việc ông có xuất phát điểm thấp.

Một trong những hệ lụy của các cuộc bầu cử là xu hướng đất nước bị chia rẽ, khi nhóm cử tri ủng hộ ứng viên này sẽ nhìn nhận phía bên kia một cách tiêu cực. Người đắc cử tổng thống có nhiệm vụ khỏa lấp mối chia rẽ đó để đoàn kết đất nước, thường là nhờ vào hỗ trợ từ lãnh đạo sắp mãn nhiệm.

Nhưng Trump đã làm điều ngược lại vào năm 2020. Ông không nhận thua trước ông Biden, thậm chí còn liên tục cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận, một trong những lý do thúc đẩy vụ bạo loạn Đồi Capitol. Điều đó đã tác động đặc biệt tiêu cực đến Trump, đẩy vị thế của ông xuống mức thấp tưởng như không thể hồi phục trong lòng công chúng Mỹ.

Khi phân tích cuộc khảo sát được thực hiện sau cuộc bạo loạn, Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy tỷ lệ tán thành Trump đã rơi xuống 29%, giảm 9 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò vào tháng 8/2020 và là "mức thay đổi lớn nhất giữa hai cuộc thăm dò của Pew kể từ khi ông nhậm chức". Phần lớn điều này có lẽ bắt nguồn từ việc đảng Cộng hòa đã quay sang phản đối Trump ngay sau sự việc.

Trước đó, tác động tổng hợp từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn xã hội đã khiến mức độ tín nhiệm và yêu thích đối với cựu tổng thống giảm mạnh vào cuối nhiệm kỳ.

Từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021, tỷ lệ ủng hộ Trump trong cộng đồng người gốc Tây Ban Nha giảm 11 điểm phần trăm. Mức tán thành với ông trong nhóm người da màu giảm từ 9% xuống 4%, còn trong nhóm cử tri trẻ tuổi giảm từ 25% xuống 23%.

Nhìn vào tình trạng tồi tệ của Trump ba năm trước, có thể suy đoán rằng xu hướng cải thiện mức độ tín nhiệm đối với cựu tổng thống hiện nay một phần do những ký ức về cuộc bạo loạn Đồi Capitol đã mờ nhạt và 2020 thực sự là năm quá biến động. Việc các đảng viên Cộng hòa tập hợp bảo vệ ông sau hàng loạt cáo trạng cũng là một động lực tác động tới quan điểm của công chúng.

Lý do thứ ba khiến Trump được cải thiện vị thế là kết quả của việc công chúng ít chú ý tới cuộc bầu cử hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, cựu tổng thống cũng đang vận động tranh cử theo cách khác, làm thay đổi cách truyền thông đưa tin về ông.

Trong các cuộc khảo sát của Gallup về mức độ người Mỹ theo dõi chính trị quốc gia, tỷ lệ người nói rằng họ theo dõi "rất chặt chẽ" đã giảm xuống 32% vào năm 2023, giảm gần 10 điểm phần trăm so với năm 2020. Tương tự, mức độ chú ý giảm mạnh cũng được ghi nhận trong dữ liệu về thanh niên và người Mỹ không phải da trắng từ năm 2020 đến năm 2023.

Dù mức độ phủ sóng truyền thông của cựu tổng thống hiện vẫn rất lớn, theo giới quan sát, nó không thể so sánh với chiến dịch tranh cử năm 2016 hay chiến dịch tái tranh cử mà ông bắt đầu với tư cách tổng thống đương nhiệm năm 2020.

Ngoài thông tin về các bản cáo trạng mà Trump phải đối mặt, ông dường như không còn là gương mặt hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của công chúng như trước nữa.

Ông cũng không còn thu hút chú ý với tư cách là người lãnh đạo đất nước sau một năm khủng hoảng và các sự kiện tranh cử của ông đều hướng đến những khán giả hay truyền thông bảo thủ. Việc giảm tần suất xuất hiện trên truyền thông có thể là một điều tốt với cựu tổng thống Mỹ, khi ông hạn chế được nguy cơ "vạ miệng" hay bị công chúng đánh giá tiêu cực vì những quan điểm gây tranh cãi, giới chuyên gia đánh giá.

Tổng thống Biden có lẽ cũng công nhận điều này. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Evan Osnos từ tạp chí New Yorker, ông phàn nàn rằng báo chí không quan tâm đầy đủ đến thành tích của chính ông và cả "mối đe dọa" từ cựu tổng thống Trump.

Osnos cho hay câu hỏi hóc búa mà báo chí Mỹ đối mặt khi đưa tin về chiến dịch hiện nay của Trump là tại những thời điểm nhất định, rất khó để truyền đạt cho công chúng khi nào nên chú ý đến những khoảnh khắc thực sự đáng lo ngại, vì cựu tổng thống có thể làm nhiều điều để gây sốc.

Trong cuộc vận động tranh cử lớn đầu tiên ở Waco, Texas ngày 25/3/2023, chiến dịch của Trump bắt đầu bằng video cho thấy những người từng bị kết án tù vì vụ bạo loạn Đồi Capitol tham gia hát quốc ca Mỹ, cùng một số hình ảnh về vụ bạo loạn. "Các bạn sẽ được minh oan và sẽ tự hào", Trump tuyên bố.

"Khoảnh khắc đó thực sự đã không được truyền thông chú ý tới", Osnos thừa nhận.

Vũ Hoàng (Theo Vox, AFP, Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.