Thị trường nhà đất Lâm Đồng được giới đầu tư đánh giá còn rất nhiều dư địa phát triển. Song khi đầu tư nhà đất tại địa phương này, người dân cần lưu ý những vấn đề có liên quan, nhất là các địa điểm thường xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.

Giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng đang ra sao?

Sau một giai đoạn sốt đất kéo dài và đạt đỉnh trong quý 2/2022, số lượng giao dịch nhà đất tại tỉnh Lâm Đồng đã sụt giảm mạnh kể từ quý 3/2022 đến quý 1/2023. Bước sang quý 2/2023, thị trường nhà đất Lâm Đồng ghi nhận tín hiệu tích cực khi số lượng giao dịch tăng trở lại, song vẫn ở mức rất thấp nếu so sánh với thời điểm cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 giao dịch, huyện Đức Trọng với 506 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 476 giao dịch, huyện Lâm Hà với 442 giao dịch.

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 287 giao dịch. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với 95 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 67 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 61 giao dịch.

Bước sang quý 2/2023, số lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã bật tăng trở lại với 5.160 giao dịch đất nền và 327 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Riêng thống kê và so sánh theo các tháng trong năm 2023 thì số lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tỉnh không có biến động nhiều.

Cụ thể, trong tháng 4/2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.220 giao dịch đất nền và 100 giao dịch nhà ở riêng lẻ. Sang tháng 5/2023 lượng giao dịch trên địa bàn tỉnh tăng lên 1.327 giao dịch đất nền và 173 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Trong tháng 6 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.320 lô đất nền và 165 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng.

Gần đây nhất, trong tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.412 lô đất nền và 148 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đánh giá, thị trường bất động sản Lâm Đồng còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh những tiềm năng thế mạnh sẵn có, thị trường nhà đất địa phương này còn hưởng lợi từ dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, quy hoạch sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được phê duyệt,…

Ảnh minh họa

Mua nhà đất tại Lâm Đồng cần lưu ý đến vấn đề ngập lụt, sạt lở đất

Dù được giới đầu tư đánh giá còn nhiều dư địa phát triển, song khi đầu tư nhà đất tại địa phương này, người dân cần lưu ý những vấn đề có liên quan, nhất là các địa diểm thường xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có Công văn số 1898/SNN-TL gửi đến Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để cung cấp số liệu về tình hình thiên tai, ngập lụt, sạt trượt trên địa bàn tỉnh.

Thống kê từ đầu năm đến ngày 08/08 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 13 đợt mưa lớn gây ngập tại nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh. Trong đó, trận mưa ngày 23/6/2023 có lượng mưa 65 mm trong 1 giờ tại thành phố Đà Lạt đã làm nhiều đoạn đường (Phan Đình Phùng, Tô Ngọc Vân, Trần Quốc Toản,…) xảy ra tình trạng ngập (dưới 1m), nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ.

Trận mưa từ đêm 28 đến rạng sáng 29/6, với lượng mưa lên đến 200mm đã gây sạt lở, ngập úng nhiều nơi. Trong đó, vụ sạt lở đất, sập bờ taluy nghiêm trọng tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10 làm 2 người chết, 5 người bị thương, ảnh hưởng nhiều ngôi nhà của người dân.

Trận mưa ngày 12/7/2023 có lượng mưa 88 mm trong 15 phút cũng đã gây ngập các khu vực thường xảy ra ngập úng tại thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Lâm Hà. Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết thêm, Lâm Đồng là một trong những tỉnh Tây Nguyên có đặc điểm nền địa chất tính liên kết kém, chủ yếu là bazan bở rời và khi có mưa lớn kéo dài, lượng nước trong đất bão hòa, dẫn đến sạt lở, trượt, nứt đất.

Ngoài ra, do kiến trúc địa chất, địa tầng tạo nên các cấu trúc địa chất không đồng nhất, các cung trượt có quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn. Khi mùa mưa đến sạt lở đất thường xảy ra tại các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn, như trên quốc lộ 20, 27, 28, đường 723,…

Sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh, như sông Đạ B’sa (huyện Đạ Huoai), sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương), sông Đa Dâng (huyện Lâm Hà), suối Đạ Mí, sông Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), sông Krông Nô (huyện Đam Rông), khu vực sườn dốc (huyện Lạc Dương).

Ở các đô thị trong tỉnh hiện tượng sạt lở đất cũng thường xuyên xuất hiện tại thị trấn Dran (huyện Đơn Dương), thành phố Đà Lạt. Đặc biệt sạt lở đất do tai biến địa chất xảy ra nghiêm trọng ở thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp (huyện Di Linh).

Trong các tháng đầu năm 2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu đã gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Trong đó, đã di dời được 94 hộ dân và còn 150 hộ cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.