04/08/2010 9:26 AM
Danh sách lương và thu nhập của tổng giám đốc các NHCP đã được lập, tuy không tới mức triệu đô nhưng cũng đủ khiến cơ quan chức năng lưu tâm.
Lương thưởng CEO ngân hàng rơi vào tầm ngắm

Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng nghiệp vụ riêng, bảng kê thu nhập này đã được thiết lập từ hơn một tháng nay. "Số liệu Ngân hàng Nhà nước thu thập được không cao đến thế, cũng có thể chưa sát với tình hình thực tế. Song Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến gửi sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội", nguồn tin này xác nhận.

Câu chuyện lương thưởng của tổng giám đốc (CEO) các ngân hàng đang được chú ý bởi gần đây có tin cho hay mức cao nhất trên thị trường lên đến 1,2 triệu USD.

Một chuyên gia am hiểu và có quan hệ mật thiết với các ngân hàng khẳng định hiện tại không có nơi nào trả cho CEO quá 500.000 USD một năm. Song ông cũng tiết lộ, trong thu nhập của các CEO, một phần không nhỏ là cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu và tính theo thời chứng khoán còn ở đỉnh cao, thu nhập của những sếp đắt giá nhất nhì thị trường cũng phải tới cả triệu đôla.

Lãnh đạo cấp cao của một quỹ đầu tư nội địa cho biết thêm với nhiều CEO, sau thời gian khẳng định năng lực và tạo lợi nhuận, họ đã trở thành cổ đông nắm giữ một số cổ phiếu tương đối ở ngân hàng. Do đó, tổng cộng thu nhập triệu đô trong năm có thể phát sinh thêm từ việc họ cùng là cổ đông của ngân hàng chứ không phải từ lương và thưởng trên bảng thống kê kế toán.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn (cổ đông lớn của một số ngân hàng) nhận xét, việc trả lương và thưởng lên tới triệu đôla cho một CEO giỏi không nên bàn cao hay thấp, cái cần quan tâm là hiệu quả làm việc của người đó ra sao.

“Nếu như trả lương triệu đô nhưng CEO đóng góp quan trọng trong việc làm ra lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD thì tại sao lại không? Còn nếu CEO làm việc không hiệu quả thì lương một trăm USD cũng không nên”, ông Hưng nói.

Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng luật pháp hiện nay cho phép hội đồng quản trị của doanh nghiệp cổ phần, trong đó có ngân hàng, được chủ động trả lương, thưởng cho lãnh đạo, căn cứ theo doanh thu, lợi nhuận. Mặt khác, nếu thu nhập cao, nhà nước đã có công cụ thuế để điều tiết lại, vì thế thu nhập càng cao, phần đóng góp cho ngân sách càng lớn.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc chi trả lương cần căn cứ đến khả năng và chất lượng kinh doanh thực tế tại ngân hàng, sẽ là điều đáng báo động nếu việc chi trả quá cao đe dọa an toàn tài chính của ngân hàng.

"Cũng sẽ là bất hợp lý nếu thu nhập của tổng giám đốc ngân hàng quá chênh lệch với mặt bằng chung. Càng đáng lên án khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp yếu kém mà ngân hàng vẫn lãi lớn và trả bộn cho các sếp của mình", ông Kiêm nói. Ông cho biết thêm thời ông còn làm thống đốc (1989-1997), thu nhập của tổng giám đốc các ngân hàng cao lắm cũng chỉ gấp 3-4 lần so với tổng giám đốc ở các ngành khác, chứ không đến mức gấp vài chục lần như hiện nay.

Năm 2009, kinh tế cả nước khó khăn, GDP chỉ tăng trưởng 5,32%, thấp nhất trong 10 năm qua, ngành ngân hàng vẫn lãi hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước.

Theo ông Kiêm, trong trường hợp việc chi trả lương thưởng quá cao, gây mất an toàn cho hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc cho dù trách nhiệm quản lý nhà nước về lương thưởng không thuộc thẩm quyền của cơ quan này.

"Nếu không tỏ thái độ, các ngành khác sẽ lên tiếng. Sức ép dư luận đối với ngành ngân hàng sẽ gia tăng, cho dù anh làm đúng luật và anh đóng thuế đầy đủ", ông Kiêm nói.

Ông Kiêm hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Ông cho biết, vấn đề lương thưởng cao bất thường của ngân hàng và một số doanh nghiệp nhà nước đã được hội đồng đặt ra từ lâu và rất gay gắt. Theo ông, nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng rất khan hiếm, nhưng không đến mức phải khiến các ngân hàng chạy đua chào mức thu nhập quá cao.

Cafeland.vn
theo Vnexpress

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.