Phối cảnh dự án Liên hoa Bảo tháp của Tân Huê Viên
Dự án Dịch vụ Tân Huê Viên - Liên hoa Bảo tháp do Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên (Công ty Tân Huê Viên) làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng trên phần đất thuê 42.000m2 (thuộc Khu Công nghiệp An Nghiệp, địa chỉ tại Quốc lộ 1A, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Thời gian thuê đất là 49 năm, quyết định cho thuê bắt đầu từ năm 2018.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó điểm nhấn là tòa tháp hình hoa sen (có tên là Liên hoa Bảo tháp), được thiết kế với chiều cao 68m, đường kính 119m, phần trung tâm tháp là 16 tấm thép lớn mô phỏng cánh hoa sen. Phần trung tâm tháp được đặt một tượng Phật Dược Sư nặng 19 tấn, chiều cao là 6,8m (dự kiến pho tượng này sẽ được dát 88 lượng vàng). Chủ đầu tư cũng đã tiến hành lễ đúc tượng Phật vào 14-8-2019. Hiện dự án đang ở giai đoạn thi công nền móng.
Tuy nhiên, khi dự án đang ở giai đoạn triển khai thì bất ngờ gặp phải những phản ứng trái chiều của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng liệu đây có phải là một dự án mang tính tôn giáo, tín ngưỡng vì có nhiều hạng mục mang đậm tính tâm linh (Liên hoa Bảo tháp, tượng Phật Dược Sư...)? Việc dự án được xây dựng trên phần đất thuê của khu công nghiệp có đúng quy định của pháp luật? Dự án có phải là một hình thức kinh doanh tâm linh? Các hạng mục công trình đã được ngành chức có thẩm quyền cấp phép?...
Dự án Liên hoa Bảo tháp đang được triển khai xây dựng tại phần đất thuê của Khu Công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng
Ông Thái Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tân Huê Viên cho rằng, "đây là dự án được kỳ vọng trở thành một điểm dừng chân tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng. Bản thân Công ty Tân Huê Viên được công nhận là một điểm du lịch cấp tỉnh, do vậy dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách, trong đó có đặc sản bánh pía Sóc Trăng".
Giải thích về việc thuê đất khu công nghiệp để làm dự án, ông Tuấn cho biết, "do đất công ty chúng tôi liền kề với Khu Công nghiệp An Nghiệp nên chúng tôi đã mạnh dạn thuê đất Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất cũng như tạo nên một địa điểm dừng chân thu hút du khách".
Ông chủ Tân Huê Viên cũng khẳng định, dự án không phải là hình thức kinh doanh tâm linh như dư luận đã hoài nghi. Vì khi dự án hoàn thành sẽ không có hoạt động cúng bái gì, cũng không có sư thầy nào. Riêng về tượng Phật Dược Sư chỉ là biểu tượng cho sự may mắn, sức khỏe... "Đồng thời, chúng tôi cũng không tổ chức bán vé để thu phí khách tham quan".
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với khu công nghiệp hiện được quy định tại Nghị định 82 của Chính phủ. "Theo đó, việc Tân Huê Viên thuê đất để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là phù hợp với quy định của Chính phủ về khu công nghiệp đô thị dịch vụ, phù hợp với điểm du lịch đã được tỉnh công nhận", theo ông Kiệt.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, "việc Công ty Tân Huê Viên triển khai dự án trên hoàn toàn không phải là một loại hình thức kinh doanh tâm linh. Cơ bản chỉ là việc mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời là điểm dừng chân của du khách trên địa bàn tỉnh. Việc giao đất cho Tân Huê Viên được thực hiện đúng quy định của pháp luật".
-
Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn cho hai dự án nhà ở xã hội gần 1.900 tỷ đồng
Hai dự án nhà ở xã hội có tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang được tháo gỡ vướng mắc để khởi công xây dựng trong quý 1/2025
-
Đề xuất 1.870 tỷ đồng xây đường nối quốc lộ 60 với cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam
Tỉnh Sóc Trăng đề nghị xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 60 với cầu Đại Ngãi có chiều dài 14km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.870 tỷ đồng. Dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội....
-
Phó Thủ tướng: Phải đảm bảo công suất khai thác mỏ cát kịp tiến độ thi công cao tốc ở ĐBSCL
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để bù trừ giải quyết rủi ro tron...