19/09/2020 11:10 AM
Với thành phố Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất quan trọng, bởi nguồn vốn này của thành phố giai đoạn 2016 -2020 chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công của cả nước.

Lực cản từ giải phóng mặt bằng - Bài 2: Dự án bị “ngâm" nên ứ vốn đầu tư công

Điểm nghẽn hiện nay xung quanh việc giải ngân vốn đầu tư công được nhận diện chính là khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước xung quanh việc giải ngân vốn đầu tư công được nhận diện chính là khâu giải phóng mặt bằng. Điều này khiến nhiều công trình giao thông “đắp chiếu”, kéo dài cả chục năm; vốn đội lên gấp nhiều lần so với ban đầu, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Tiền có mà đường chưa thông

Giải ngân vốn đầu tư công đang là câu chuyện thời sự của nhiều Bộ, ngành, tỉnh, thành phố lúc này. Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2020, thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư công khoảng 28.000 tỷ đồng cho 581 dự án.

Khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng qua số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, trong 8 tháng năm 2020, ước tính thành phố giải ngân được khoảng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 50% kế hoạch. Trong số đó, có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Về điều này đã được ông Lương Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố thừa nhận, đến tháng 9/2020, Ban mới thực hiện giải ngân đạt 38% kế hoạch. Riêng về dự án trụ sở Thành ủy, hiện đang hoàn thiện hồ sơ nên giải ngân đến tháng 1/2020 mới đạt 18,9%. Về dự án Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Cà Mau), đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019, mới giải ngân đạt 6%.

Còn ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến ngày 10/9 mới giải ngân được khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, bằng 40,87% tổng nguồn vốn. Nguyên nhân là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, mặt bằng xen kẹt khiến việc thực hiện bị ngắt quãng, kéo dài.

Một số dự án khác cũng trong cảnh “rùa bò” dẫn đến giải ngân thấp dưới 5% như: Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục trong dự án đường Vành đai 1 thuộc địa bàn 2 quận Đống Đa, Ba Đình được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, với kế hoạch hoàn thành vào năm 2020. Nhưng sau 3 năm dự án chưa được triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Hay dự án Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận Thanh Trì cũng đang dở dang sau hàng chục năm ì ạch... Mặt bằng sạch để thi công đang là yêu cầu cấp bách đối với các dự án này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách của thành phố đều là các dự án thuộc những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu có ý nghĩa dân sinh với Thủ đô như: xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước...

Kết quả giải ngân chậm ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội . Nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư chậm, ngoài năng lực của cán bộ thì mẫu số chung là do vướng mặt bằng sạch để thi công dự án.

Trước thực trạng trên, ngày 31/8, tại phiên giải trình về đầu tư công của thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các dự án không vướng mắc mà giải ngân chỉ đạt 41% thì cần làm rõ lý do vì sao không giải ngân được. Từ đó, đề nghị UBND thành phố cần phân loại, phân công, phân nhiệm, nghe báo cáo về từng dự án và làm việc với các quận, huyện để tháo gỡ; nếu có khó khăn về cơ chế, chính sách thì đề xuất HĐND thành phố.

Cơ chế bồi thường còn nhiều bất cập

Theo bà Hồ Vân Ngân, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND thành phố Hà Nội, qua nhiều lần giám sát tại các dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng nhận thấy, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay còn nhiều bất cập. Đó là chủ đầu tư, đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, quy định về giá đất thay đổi, khiến cho một số người có tâm lý kéo dài việc giải phóng mặt bằng để được tăng giá đền bù.

Còn về nguyên nhân chủ quan, việc tuyên truyền đến người dân về chính sách giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ. Cùng với đó, tình trạng chưa minh bạch và công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng cũng gây tâm lý không tin tưởng trong người dân. Từ đó, tạo cơ sở cho việc chây ì hoặc khiếu kiện vượt cấp để mong muốn được hưởng thêm quyền lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Giải phóng mặt bằng vốn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Qua tìm hiểu, chỉ cần người thực thi công vụ tư lợi, có thể Nhà nước bị thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách. Thực tế tại Hà Nội đã có những vụ việc cán bộ tư túi, khiến ngân sách bị thất thoát, lòng tin của người dân bị hao mòn, công tác giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng.

Đơn cử là năm 2007, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi 1.173.030 m2 đất tại xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Tảo và phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Khi đó, UBND huyện Từ Liêm (cũ) ra quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình để bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định.

Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng theo dự toán là 337,1 tỷ đồng. Nguồn tiền này do Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển THT ứng trước và sau này được đối trừ vào tiền thuê đất.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, Thanh tra thành phố Hà Nội phát hiện tổ công tác xã Xuân Đỉnh và UBND xã Xuân Đỉnh không thực hiện đúng quy trình dẫn đến sai phạm về kê khai hiện trạng, xác nhận, thẩm định nguồn gốc đất gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 26,9 tỷ đồng. Đã có 8 bị can đi tù vì tham ô trong giải phóng mặt bằng nêu trên.

Hay như những sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau nhiều năm được làm rõ với việc cán bộ xã, huyện ở Thạch Thất đã lập hồ sơ khống rút ruột nhà nước hơn 3 tỷ đồng.

Trước hành vi trên, ngày 25/11/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt 8 bị cáo với hai tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hình phạt của các bị cáo là 55 năm tù.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện có một bộ phận cán bộ làm giải phóng mặt bằng năng lực còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp. Họ chưa làm tốt tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật.

Mặt khác, khi triển khai giải phóng mặt bằng lại quá thiên về biện pháp hành chính, áp đặt hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm. Các thông tin về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án giải quyết việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi ở một số dự án được đưa ra nhỏ giọt, thiếu công khai, dân chủ, chưa đảm bảo đúng lợi ích mọi mặt của những người bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến người dân chưa tin tưởng bàn giao đất và tài sản, hoa màu… trên đất cho chủ đầu tư..

Mạnh Khánh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.