KĐT Xuân Phương, huyện Từ Liên, Hà Nội đang được hoàn thiện.
Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ 01/01/2007. Sau một thời gian phát huy hiệu quả tích cực trong cuộc sống, có nhiều quy định của Luật Nhà ở cũng như Luật Kinh doanh BĐS đã không còn phù hợp với thực tế, hoặc thực tế phát sinh nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật. Để góp phần hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tế, Bộ Xây dựng đã đưa ra kế hoạch soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS cũng như Đề cương dự thảo sửa đổi 2 luật này.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy, quan điểm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi. Bộ trưởng dẫn chứng: Trong Luật Nhà ở, có điều quy định xóa bao cấp về nhà ở, thực hiện theo thị trường nhưng Luật cũng lại nói về nhà ở xã hội. Như vậy tư duy không đầy đủ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong kinh doanh BĐS cũng vậy, Luật coi nặng thị trường, coi nhẹ quản lý nhà nước, trong khi đó BĐS là những sản phẩm gắn liền với đất mà đất là hữu hạn. Sản phẩm BĐS khác với các sản phẩm khác trong nền kinh tế thị trường, nếu có sự can thiệp của Nhà nước càng nhiều thì càng ảnh hưởng lớn đến phát triển BĐS. Có những lĩnh vực khó can thiệp nhưng riêng BĐS rất cần sự can thiệp của Nhà nước, nhưng liều lượng can thiệp như thế nào để bảo đảm sự phát triển bền vững…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân tích, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có mối quan hệ khăng khít và liên quan tới nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Dân sự, Luật Đất Đai, Luật Môi trường… Do đó, quá trình soạn thảo phải bảo đảm sự liên quan, kết hợp được giữa các Luật đang sửa đổi, làm đúng Luật, không vi phạm Hiến pháp. Quan trọng nhất hiện nay đó là tiến độ thực hiện: Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập phải đôn đốc, bám sát kế hoạch thực hiện. Dù gấp rút nhưng cần tổng hợp được những ý kiến đóng góp của người dân, các nhà khoa học, đồng thời lấy thêm kinh nghiệm của quốc tế để có sự lựa chọn phù hợp.
Sản phẩm BĐS khác với các sản phẩm khác trong nền kinh tế thị trường, nếu có sự can thiệp của Nhà nước càng nhiều thì càng ảnh hưởng lớn đến phát triển BĐS. |
Liên quan tới những nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, các vấn đề cần sửa đổi tại 2 Luật này đã rất “chín muồi”. Cụ thể, ngay từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi 2 Luật bởi phát sinh những vấn đề bất cập. Thực tế đây là 2 Luật rất phức tạp, lần đầu tiên có tại Việt Nam trong khi cơ chế thị trường mới đang hình thành và trong quá trình hoàn thiện, vấn đề kinh doanh BĐS mới xuất hiện, việc chính thức cho mua bán kinh doanh BĐS mới bắt đầu từ 10 năm nay. Đáng chú ý là các vấn đề bức xúc của DN và người dân đã được xem xét, những vấn đề chính cần sửa đổi đã được Bộ Xây dựng chủ động chuẩn bị chi tiết nội dung. Hiện Bộ Xây dựng đã gửi văn bản tới các ban, ngành, địa phương để tổng kết thực hiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS… Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, dù tiến độ gấp gáp nhưng cần bổ sung thêm hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, các bộ, ngành và địa phương, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế.
Theo dự kiến của Ban Soạn thảo, Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đều được trình Chính phủ vào tháng 6 và trình Quốc hội vào tháng 10/2013. Tháng 5/2014, Quốc hội sẽ thông qua 2 Luật này.
Được biết, Luật Nhà ở 2005 có 9 Chương với 153 Điều. Để phù hợp với thực tiễn, Bộ Xây dựng dự kiến Luật Nhà ở sửa đổi có 12 Chương với 179 Điều, như vậy sẽ bổ sung thêm 3 Chương, cụ thể là Chương 4 về tài chính nhà ở, Chương 6 về quản lý, sử dụng nhà chung cư và Chương 9 về hệ thống thông tin nhà ở và cơ sở dữ liệu về nhà ở. Luật kinh doanh BĐS 2006 có 6 Chương với 81 Điều, Bộ Xây dựng dự kiến Luật sửa đổi có 9 Chương.