Song đằng sau bức tranh này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có quá nhiều lý do khiến lãi suất chưa thể giảm đại trà và khả năng tiếp cận tín dụng không dễ.
Linh hoạt công cụ vốn
Dù thông điệp về chính sách tiền tệ ngày
càng rõ hơn vào cuối quý III, việc điều hành linh hoạt chính sách tiền
tệ qua các kênh nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM vẫn được NHTM duy
trì trong thời gian qua. Ngay trong tuần mới đây nhất, NHNN tuần thứ hai
liên tiếp bơm ròng với khối lượng 17.171 tỉ đồng qua thị trường mở
(OMO), tăng khoảng 1.171 tỉ đồng so với lượng tiền bơm ròng ở tuần
trước. Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, việc NHNN duy trì lượng
tiền bơm ròng tương đối lớn trong hai tuần vừa qua là động thái hỗ trợ
tích cực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân
hàng (NH) cũng như giảm bớt khó khăn về mặt thanh khoản cho một số NHTM.
Đánh giá về động thái bơm vốn khối lượng
lớn của NHNN, báo cáo của một số tổ chức đầu tư cho rằng, điều này thể
hiện sự linh động trong việc điều tiết cung tiền của NHNN thông qua OMO
và là tín hiệu cho thấy NHNN có thể sẽ sử dụng OMO như một công cụ quan
trọng để điều hành hoạt động của hệ thống trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, sự căng thẳng của lãi suất VND trên thị trường liên NH được cho là nguyên nhân chính khiến NHNN bơm ròng một khối lượng vốn lớn (khoảng 33.000 tỉ đồng) trong 2 tuần gần đây. Sự hỗ trợ kịp thời của NHNN trên đây có tác động nhanh chóng khiến mặt bằng lãi suất liên NH có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Tính toán cho thấy, lãi suất liên NH tuần qua giảm khoảng 2,5-4% ở hầu hết các kỳ hạn so với tuần trước, dù vẫn ở mức cao nếu so với 2 tháng trước đây.
Thách thức lạm phát
Công cụ thị trường mở và tái cấp vốn
thực tế được NHNN sử dụng dụng rất linh hoạt thời gian qua nhằm hỗ trợ
thanh khoản cho các NH, đặc biệt trong mục tiêu giảm lãi suất cho vay về
mức 17-19% ngay trong tháng 9. Gói giải pháp và các nỗ lực của NHNN
mang đến kết quả hàng loạt NHTM công bố các chương trình cho vay ưu đãi
đối với một số lĩnh vực sản xuất. Song trong bản tin kinh tế vĩ mô tháng
10.2011 vừa được hoàn thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ủy ban KTQH)
cho rằng, vẫn có nhiều lý do khiến lãi suất chưa thể giảm đại trà và khả
năng tiếp cận vốn không dễ.
Ủy ban KTQH cho rằng, lãi suất giảm nhưng chỉ ở các gói ưu đãi dành cho các đối tượng nhất định. Còn trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các NH khá thận trọng cho vay và mức lãi suất 17-19%/năm vẫn là mức tương đối cao, nên các điều kiện tiếp cận cũng khá khắt khe. Bên cạnh đó một số NH có thể gặp khó khăn huy động từ thị trường trong khi liên NH vẫn chưa thực sự ổn định nên dù được hỗ trợ thanh khoản, NH vẫn dè dặt hạ lãi suất cho vay một cách đại trà. Bản tin của Ủy ban KTQH cũng cho rằng, các NH vẫn cần thời gian nhất định để tiêu hóa hết lượng vốn giá cao huy động được từ trước.
Việc một mặt NHNN muốn kiềm chế lạm phát, mặt khác lại muốn chính sách tiền tệ/lãi suất hỗ trợ cho DN, theo đánh giá của Ủy ban KTQH là một vấn đề nan giải bởi muốn giảm lạm phát, phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong bối cảnh CPI 9 tháng đầu năm 2011 đã tăng khoảng 22,42% so với cùng kỳ 2010, có mối quan ngại về lãi suất thực âm (nếu lạm phát kỳ vọng của thị trường và công chúng chịu sự chi phối bởi lạm phát quá khứ) với nhiều hệ lụy tiêu cực.
Bản tin đưa phân tích, hệ lụy thứ nhất
là một dòng vốn sẽ chạy ra khỏi hệ thống NH tìm tới các kênh đầu tư
khác, làm cho hệ thống càng khan hiếm vốn và do đó khó giảm được lãi
suất cho vay (trái với mong muốn là giảm lãi suất huy động để giảm lãi
suất cho vay). Thứ hai, một lượng tiền nằm ngoài lưu thông không đi vào
hệ thống NH cũng sẽ trực tiếp gây sức ép lạm phát. Thứ ba, hệ thống NH
không trở thành kênh huy động nguồn tiết kiệm và vốn nhàn rỗi hiệu quả,
làm giảm tỉ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế và qua đó làm dãn thêm khoảng
cách giữa tiết kiệm và đầu tư, gây sức ép lên cán cân thương mại và thị
trường ngoại hối. Việc giám sát các NHTM cũng sẽ trở nên khó khăn hơn
nếu trần lãi suất huy động không phản ánh đúng cung cầu thực sự trên thị
trường vốn.
“Do vậy, vào cuối tháng 9 đã có nhiều quan ngại về việc liệu chính sách tiền tệ có nới lỏng quá sớm khi kinh tế vĩ mô và lạm phát còn chưa thực sự ổn định. Các tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế bắt đầu lo lắng về quyết tâm chống lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ. Vì thế, việc “xốc lại” quyết tâm và truyền tải thông điệp về chính sách tiền tệ chặt chẽ là rất cần thiết, bởi cuộc chiến chống lạm phát cần quá trình đủ dài và kiên nhẫn” - Ủy ban KTQH đưa đánh giá.