Không bền vững
Cho đến thời điểm này, Vinaconex có lẽ là doanh nghiệp đứng đầu bảng về sự “đoản thọ” của các liên danh. Từ các siêu dự án đình đám như Splendora, Park City hay những dự án thấp cấp hơn như Golden Silk, doanh nghiệp này đều không thành công trong hợp tác.
Cuối năm 2012, với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư, Vinaconex chính thức rút hết vốn tại Park City, dự án do CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VDIC) - công ty liên danh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (Malaysia), sau 2 năm chung tay hợp tác.
Tiếp đó, Vinaconex công bố ý định chuyển nhượng cổ phần tại Liên danh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án nổi tiếng Splendora, nơi Vinaconex sở hữu 50% vốn điều lệ (tương đương 21 triệu USD) và Posco E&C (Hàn Quốc) sở hữu 50% còn lại.
Tương tự, một doanh nghiệp của Vinaconex là Vinaconex 2 cũng từng gây chú ý với việc tan vỡ liên danh tại dự án Golden Silk. Khởi nguồn của dự án này, Vinaconex 2 và Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu thống nhất đệ trình phương án xin đầu tư dự án Kim Văn - Kim Lũ với tỷ lệ góp vốn 50-50. Tuy nhiên, sau đó UBND TP Hà Nội đã có quyết định chỉ giao cho Vinaconex 2 làm chủ đầu tư, dẫn đến nhiều lùm xùm về sau.
Mới đây nhất, sự vụ hàng ngàn m2 văn phòng của dự án xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 bỏ hoang đã gần 1 năm dù đã hoàn thiện do xung đột giữa chủ đầu tư và một doanh nghiệp có quyền lợi khác đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Theo đó, 1.350m2 sàn thương mại tại 165 Thái Hà đã bỏ không cả năm do tranh chấp, kiện tụng giữa chủ đầu tư Tổng CTCP Sông Hồng - SongHongLand và đơn vị liên quan là Công ty Điện tử Hà Nội. Vụ kiện tụng đã kéo dài suốt 3 năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong khi chủ đầu tư lao đao vì không thể tiến hành cho thuê mặt bằng.
Trong khi đó, ít người biết rằng vào thời điểm khởi đầu, 2 doanh nghiệp này đã từng “cùng phía” khi ký Hợp đồng liên danh để hợp tác đầu tư dự án nhà ở cao tầng I1, I2, I3 Nam Thành Công và văn phòng làm việc, giao dịch của Công ty Điện tử Hà Nội.
Xung đột quyền lợi
Theo nhiều chuyên gia, bài toán quyền lợi là vấn đề khó khăn nhất giữa các liên danh trên thị trường BĐS. Dù đã có hợp đồng liên danh với đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, quyền lợi của các bên, nhưng khi thị trường thay đổi, hoặc một bên trong liên danh gặp trục trặc về vấn đề kinh doanh, sự tan rã khó tránh khỏi.
Vinaconex và Posco từng mâu thuẫn trong việc triển khai giai đoạn 2 của dự án Splendora khi Vinaconex muốn giãn tiến độ dự án để chờ thời điểm kinh tế Việt Nam và thị trường BĐS bớt khó khăn, nhưng Posco không đồng ý do không muốn ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín.
Vinaconex muốn rút khỏi liên danh tại Splendora. Ảnh: Hoài Trâm
Trong khi đó, tại Park City, liên danh giữa các chủ đầu tư lại rất yếu ớt do năng lực tài chính hạn chế của cả 2 bên. Chưa hết, thành phần phức tạp với nhiều pháp nhân của phía Việt Nam trong công ty liên danh khiến nhiều hạng mục liên quan đến dự án rất khó quyết định.
Chính những tỷ lệ sở hữu cổ phần đủ để phủ quyết nhưng lại không đủ để quyết định mọi vấn đề quan trọng của doanh nghiệp khiến dự án rơi vào bế tắc và cũng là một trong những nguyên nhân khiến Vinaconex bỏ chạy. SongHongLand lâm vào tình trạng khốn đốn suốt năm qua do không thể giải quyết được những nhập nhằng quanh vấn đề sở hữu ngay từ đầu...
Trên thực tế, việc hợp tác đầu tư hay thoái vốn tại một dự án là vấn đề bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, một mặt nào đó, sự tan rã của liên danh không chỉ gây khó khăn cho bên còn lại mà còn khiến tiến độ hay danh tiếng của dự án bị ảnh hưởng lớn.
Một thực tế dễ thấy là những dự án “con chung” đều đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong triển khai xây dựng, thậm chí dính vào kiện tụng kéo dài như Splendora. Nhiều chuyên gia BĐS khẳng định, khi liên danh, liên kết đang trở thành một xu hướng như hiện nay thì vấn đề chọn đối tác hay phương thức sòng phẳng, minh bạch, tìm tiếng nói chung trong hợp tác càng trở nên quan trọng.
Bởi lẽ, nếu không có tiếng nói chung, rất ít doanh nghiệp chịu thiệt để tiếp tục cùng góp vốn triển khai dự án. Điều này có thể khiến một dự án đình đám sa lầy nhanh chóng như nhiều trường hợp đã diễn ra thời gian qua.
Về cơ bản, sự ra đời của liên minh, liên danh là một phương thức tốt trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay. Tuy nhiên, kết quả của liên minh, liên danh như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. GS. Đặng Hùng Võ |