Quá nhiều vật cản
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, sở dĩ các dự án nhà ở xã hội không hấp dẫn nhà đầu tư vì thường bị khống chế về giá bán, diện tích, biên độ lợi nhuận đầu tư thấp trong khi có quá nhiều thủ tục quá rườm rà, rắc rối.
“Việc quy định dự án phải dành quỹ đất 20% để xây dựng các dự án nhà ở xã hội là không phù hợp. Bởi trong một dự án không thể cùng xuất hiện những căn hộ cao cấp có giá 25 – 30 triệu bên cạnh những căn hộ có chỉ có giá dưới 15 triệu được”, ông Quang nói.
Mặt khác, ông Quang cho rằng, lợi nhuận cho thuê mua của dự án nhà ở xã hội còn thấp hơn nhiều lãi suất vay ngân hàng để phát triển dự án khiến chủ đầu tư không muốn đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, việc bắt doanh nghiệp phải dùng 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội là bất khả thi. Đặc biệt là tại những dự án cao cấp, điều này sẽ tạo nên sự bất công bằng giữa lợi ích của cư dân. “Người mua nhà ở xã hội đa phần là người thu nhập thấp, họ không thể nào có đủ chi phí để thụ hưởng các tiện ích trong một khu cao cấp được”, ông Đực cho biết.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), khó khăn lớn khiến các dự án nhà ở xã hội không hấp dẫn nhà đầu tư đó là thủ tục rườm rà và lợi nhuận thấp. HoREA lấy ví dụ: Dự án nhà ở xã hội tại phường Thảo Điền của Công ty Thủ Thiêm có khoảng 1.900 m2 đất được chủ đầu tư mua lại quyền sử dụng đất của dân vào năm 2004 với giá khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá đất theo bảng giá đất của Thành phố tại khu vực này khoảng 12 triệu đồng/m2, giá thị trường khoảng trên 20 triệu đồng/m2, nếu lấy giá cũ 2,5 triệu đồng/m2 của năm 2004 để tính giá thành dự án nhà ở xã hội thì sẽ rất thiệt thòi cho chủ đầu tư, và khó động viên chủ đầu tư tiếp tục tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, khó khăn còn xuất phát từ việc giải ngân quá chậm gói hỗ trợ 30.000 tỷ. Hiện nay, người mua nhà ở xã hội vẫn buộc phải chứng minh thu nhập. Gói hỗ trợ này cũng có thời hạn giải ngân trong vòng 36 tháng (01/06/2013 đến hết ngày 31/05/2016).
Nới lỏng... để hút nhà đầu tư
Theo ông Quang, để phát triển các dự án nhà ở xã hội, Chính phủ nên cung cấp cho doanh nghiệp một quỹ đất để đầu tư xây dựng. Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội cũng không nên xây dựng tập trung mà nên phân đều ra các khu vực, đặc biệt là những khu ngoại thành nơi có quỹ đất rộng, chi phí rẻ phù hợp với nhóm đối tượng là người thu nhập thấp.
Để tăng sức hút cho các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, HoREA đã có những kiến nghị nhằm nới lỏng một số thủ tục.
Cụ thể, về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Cần cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này là xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể.
Do nguồn ngân sách có hạn, HoREA đề nghị ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho 2 chương trình nhà ở xã hội cụ thể là chương trình nhà ở xã hội cho thuê và chương trình nhà ở xã hội thuê mua (bán trả góp dài hạn). Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì còn có thể giảm giá bán hơn nữa.
Ngoài ra, nên gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (05 năm), đến hết ngày 31/05/2018. Đối với nhà ở xã hội thì đề nghị mức lãi suất là 3 - 3,5% trong vòng 20 năm để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng. Người mua nhà ở xã hội không cần phải chứng minh thu nhập và bổ sung các đối tượng là các cặp vợ chồng mới kết hôn; người mới mua căn nhà đầu tiên; người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú cũng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.