02/02/2016 6:01 PM
CafeLand – Gần đây, lượng thép nhập khẩu từ bên ngoài tràn vào khiến hàng tồn kho của ngành sản xuất thép trong nước gia tăng đột biến. Lợi nhuận của ngành này vì thế cũng bị ảnh hưởng và giảm mạnh.

Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam gần đây tăng mạnh

Dẫn nguồn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan, Bộ Công thương cho biết, nhập khẩu sắt thép vào Việt Nam năm 2015 tăng 31,84% về lượng nhưng giảm 3,64% về trị giá so với năm 2014 (với 15,66 triệu tấn, trị giá trên 7,49 tỷ USD).

Đáng chú ý, ngoài Trung Quốc là thị trường lớn nhất thì năm qua, Philippines cũng là nước cung cấp sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn. Trong năm 2015, mặt hàng này nhập khẩu từ Philippines tăng tới 237 lần so với năm 2014.

Theo bỘ Công Thương, sự gia tăng của thép nhập khẩu đã khiến hệ số sử dụng công suất của ngành thép trong năm 2015 giảm cả phôi thép và thép dài. Công suất sử dụng dây chuyền phôi thép giảm xuống còn 40-50% và của thép dài chỉ còn ở mức 50-55%, gây ra suy giảm thị phần nghiêm trọng của phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.

Mặt khác, sự có mặt của phôi thép và thép dài nhập khẩu cũng khiến tồn kho của ngành sản xuất trong nước gia tăng đột biến qua các năm 2012-2015, đặc biệt mức tồn kho năm 2015 tăng tới 70% so với năm 2014. Lợi nhuận của sản xuất phôi thép và thép dài trong nước cũng vì thế bị ảnh hưởng và giảm mạnh.

Trước sự gia tăng của thép nhập khẩu, 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thép Hoà Phát, Công ty Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời đề nghị trước khi ra quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ sẽ áp dụng mức thuế tạm thời như trên trong thời gian 200 ngày.

Bộ Công thương sau đó cũng đã ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Thời gian được đề xuất để điều tra, xác định thiệt hại sẽ diễn ra từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/9/2015.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại có ý kiến trái chiều về việc này. Các doanh nghiệp này cho rằng, không nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép vì lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015.

Nhiều doanh nghiệp thép vẫn đang phải nhập khẩu các loại phôi trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, chất lượng chưa ổn định, vì thế nếu phôi thép nhập khẩu bị gia tăng chi phí, do thuế nhập khẩu tăng vì áp dụng biện pháp tự vệ, sẽ khiến giá thép thành phẩm tăng theo và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.