Báo cáo dẫn tổng hợp dữ liệu của Ủy ban cho biết, do quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Năm 2014, lợi nhuận bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm 25,8% so với cùng kỳ 2013.
Cơ quan giám sát này cũng dự tính rằng, xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.
Dù không nêu cụ thể, nhưng qua các dòng chảy thông tin thời gian qua, hệ thống đang định hình những thương vụ sáp nhập mới, không chỉ ở trong phạm vi tái cơ cấu bắt buộc.
Về vĩ mô, Ủy ban Giám sát nhận định, lạm phát thấp tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành sẽ chỉ thực hiện đối với kì hạn từ 5 năm trở lên. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát hành 232 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 7,7% so với năm 2014.
Trên thực tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3/2015. Ngoài ra, theo nhận định của Ủy ban, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lý thị trường.
Ở nội dung khác, theo phân tích trong báo cáo trên, kinh tế tăng trưởng tốt đã giúp bù đắp phần nào ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến thu ngân sách nhà nước.
Lũy kế đến hết tháng 3/2015, mặc dù thu từ dầu thô giảm 35,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,3%) thu nội địa tăng 19,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,5%). Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế quý 1 đạt 226 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 10,3% so với cùng kỳ 2014 (cùng kỳ tăng 15,9%).
Ủy ban Giám sát ước tính cho cả năm 2015, giá dầu bình quân 60 USD/thùng sẽ trực tiếp làm thu ngân sách từ dầu thô giảm 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí sản xuất, nhờ đó thu ngân sách từ khu vực sản xuất, kinh doanh có thể tăng khoảng 22 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Ngoài ra, điều chỉnh phí và thuế nhập khẩu xăng dầu cũng như một số loại thuế khóa liên quan đến sử dụng xăng dầu có thể bù đắp giảm thu về dầu thô.
“Với những yếu tố tích cực nêu trên, chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40 USD/thùng, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%”, báo cáo đưa ra dự báo.
Một nét chính trong tình hình kinh tế quý đầu năm cũng được báo cáo lưu ý: xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi giá hàng hóa thế giới giảm.
Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 6,9%, thấp hơn mức 14,1% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là giá hàng hóa xuất khẩu giảm. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng thống kê cả về giá trị và lượng đã giảm tới 24,4% so với cùng kỳ năm 2014. Sự suy giảm chủ yếu do yếu tố giá khi lượng xuất khẩu chỉ giảm 2,4%.
“Do đó, từ nay đến cuối năm với dự báo giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu 2013 và 2014 có sự đóng góp không nhỏ của xuất khẩu điện thoại Samsung nhưng yếu tố này không còn trong năm 2015. Do vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đòi hỏi phải có sự cố gắng hơn” Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cảnh báo.
Một diễn biến nổi bật trong quý đầu năm là tỷ giá biến động mạnh. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Giám sát không có dòng nào đề cập đến diễn biến này.