Sau cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng, nhiều ngân hàng nhỏ đã không tránh được cảnh thay tên đổi chủ, một số còn lại được cho phép tự tái cấu trúc đang nỗ lực làm mới hình ảnh, khẳng định mình “nhỏ mà đẹp”. Nhưng, lối đi cho ngân hàng nhỏ cũng hẹp!
Nỗ lực xây hình ảnh mới
Trong đợt đầu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 9 ngân hàng được xác định là yếu kém. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã hoặc đang thực hiện phương án tái cơ cấu được NHNN chấp thuận.
Chẳng hạn, TrustBank đổi tên thành VNCB (nay là CB), nhưng sau đó phải bán lại 0 đồng cho NHNN cùng với OceanBank và GPBank; WesternBank (sáp nhập PVFC trở thành PVcomBank); Mekongbank (sáp nhập MaritimeBank); SouthernBank (sáp nhập Sacombank). Navibank đi theo hướng tự mình tái cấu trúc đổi tên thành NCB…
Bên cạnh đó, cũng có một số vụ đổi chủ diễn ra lặng lẽ hơn, dù không nằm trong nhóm 9 ngân hàng trên. Trong đó, có thương vụ của VietABank, Kienlongbank, khi lần lượt cổ đông lớn là SJC thoái vốn khỏi VietA Bank, hay ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Tâm được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị KienlongBank.
Hầu hết ngân hàng nhỏ thời kỳ hậu đổi chủ đều đang cố gắng thoát khỏi hình ảnh cũ. Các thương vụ hợp nhất, sáp nhập cũng lấy đi những thương hiệu lâu năm như: TinNghiaBank, Ficombank, TrustBank, DaiABank, Habubank, MHB, SouthernBank…
Song thực tế cho thấy, một số thương vụ đổi chủ của những cổ đông nội ở các ngân hàng chỉ đơn giản là đổi chủ sở hữu, không làm thay đổi luật chơi trong hệ thống ngân hàng.
Điều này chỉ giải quyết được vấn đề thanh khoản và trợ giúp ngân hàng phần nào trong ngắn hạn, còn về bản chất sở hữu chéo vẫn hiện hữu. Điển hình như thương vụ Tập đoàn Thiên Thanh mua lại TrustBank và đổi tên thành VNCB, tuy nhiên, bộ máy do nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh cầm đầu đã chiếm đoạt của Ngân hàng khoảng 9.000 tỷ đồng (theo phán quyết tại tòa).
Sự hiện diện của sở hữu chéo thời hậu đổi chủ khiến nhiều người nghi ngại về cổ đông nội ở các ngân hàng. Do đó, cổ đông ngoại có thể là một sự lựa chọn để giải quyết vấn đề yếu kém nội tại của ngân hàng mà không làm trầm trọng thêm “mạng nhện” sở hữu hiện có. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thương vụ bán 100% vốn cho đối tác ngoại nào thành công.
GPBank một thời ồn ào với thông tin bán cổ phần cho UOB, nhưng sau đó không thành và ngân hàng này phải bán lại 0 đồng cho NHNN. Nguyên nhân thất bại trong việc bán cho đối tác nước ngoài của GP Bank được một số chuyên gia chỉ ra là rào cản của tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài, cho dù Chính phủ đã bật đèn xanh về việc ngân hàng nhỏ, yếu kém được bán 100% vốn nước ngoài để đẩy mạnh tái cơ cấu.
Chật vật tìm lối ra!
Các nhà băng nhỏ đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng. Nằm trong số đó, VietA Bank đang lên kế hoạch đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính, kinh tế, điều quan trọng hơn với các nhà băng nhỏ nói chung và VietA Bank nói riêng trong lúc này là làm thế nào để tái cơ cấu thành công, nâng cao năng lực tài chính, từ đó mới mong tránh được nguy cơ M&A.
Tỷ lệ nợ xấu của VietA Bank đã giảm từ 2,25% đầu năm 2016 xuống còn 1,17% cuối tháng 9/2016, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 82%, lên 71 tỷ đồng đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2016 chỉ đạt 101 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của VietA Bank đã giảm từ 2,25% đầu năm 2016 xuống còn 1,17% cuối tháng 9/2016
Là ngân hàng nông thôn được chuyển đổi thành ngân hàng đô thị, Kienlongbank định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, hướng đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Kienlongbank không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung của ngành ngân hàng.
Lợi nhuận năm qua của nhà băng này không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, Kienlongbank chỉ ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2015. Nợ xấu Kienlongbank tăng, nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Cụ thể, từ 1,12% tại thời điểm đầu năm 2016 lên 1,46% cuối tháng 9/2016; trong đó, nợ nhóm 5 tăng 54% lên 187 tỷ đồng.
Trong khi đó, NamA Bank cho hay, để thành công trong hoạt động, Ngân hàng đã tìm được “ngách” đi riêng trong quá trình đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ hiện đại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, phát triển và ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc.
Chiến lược NamA Bank là đi vào các phân khúc nhỏ lẻ như: khu phố, chợ, tiểu thương, cán bộ nhân viên…, tức Ngân hàng sẽ tập trung vào chiến lược đẩy mạnh cho vay ở phân khúc nhỏ lẻ. NamA Bank còn đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và gia tăng hỗ trợ vốn cho lĩnh vực nông nghiệp.
Theo lãnh đạo NamA Bank, không phải chỉ với ngân hàng quy mô lớn mà ngay cả ngân hàng vừa và nhỏ, nếu lành mạnh, quản trị rủi ro, điều hành tốt, hoạt động minh bạch và tăng trưởng bền vững thì việc tạo được uy tín của thương hiệu với khách hàng là không khó và áp lực cạnh tranh không nhiều.
Chính điều này tạo cơ sở để NamA Bank thực hiện kế hoạch đẩy mạnh chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng. Song sự thật, với thị phần còn khiêm tốn, quy mô và năng lực tài chính còn ở mức thấp đòi hỏi NamA Bank tiếp tục nỗ lực tăng cao trong thời gian tới để tăng sức cạnh tranh.
Thách thức còn phía trước
Dù nỗ lực trong những năm qua để tránh làn sóng M&A và tự tái cơ cấu bằng chính nội lực, nhưng nhiều nhà băng vẫn liên tục thất bại trong việc tăng vốn. Đơn cử như Saigonbank sau khi từ chối cuộc “hôn phối” với Vietcombank đã khẳng định sẽ tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được kế hoạch này. Saigonbank loay hoay với bài toán tăng năng lực tài chính suốt nhiều năm qua, kể từ năm 2014.
VietA Bank cũng chỉ tăng vốn được 3.500 tỷ đồng đầu năm 2016 và dừng lại từ đó đến nay. Hay tại Nam A Bank, sau khi bất thành với thương vụ sáp nhập vào Eximbank như đồn đoán trên thị trường cũng chưa thể tăng vốn như kỳ vọng. Vốn điều lệ của Ngân hàng hiện chỉ mới đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.249 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức vốn này, năng lực tài chính VietBank còn nằm ở top thấp nhất trên thị trường, cùng với đó là những nhà băng vốn pháp định chỉ mới đạt 3.000 tỷ đồng như: Kienlongbank, Viet Capital Bank, NCB, Saigonbank... Nhưng với chủ trương trên, nếu các nhà băng nhỏ, vốn ít muốn tồn tại, tránh M&A buộc phải tăng năng lực tài chính.
Nợ nhóm 5 của Kienlongbank tăng 54% so với đầu năm, lên 187 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2016
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại sẽ không mặn mà vào ngân hàng nội yếu kém, nếu các quy định kiểm soát chưa được nới lỏng. Bởi khi nào tỷ lệ giới hạn chưa lên đến mức 51% thì cổ đông ngoại chưa thể nắm quyền kiểm soát ở ngân hàng.
Vì vậy, việc thu hút vốn ngoại tăng năng lực tài chính đối với các nhà băng nhỏ yếu, kém cần nguồn lực tái cấu trúc trong thời điểm hiện nay được TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Fulbright cho là khó khăn.
Theo TS. Thành, bài toán được đặt ra trong bối cảnh hiện nay là các ngân hàng, nhất là những nhà băng nhỏ, vốn ít, không có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu thì việc tăng vốn quá khó. Mặt khác, nếu quyết liệt phải xử lý nợ xấu theo cách buộc ngân hàng trích dự phòng đủ cho số nợ xấu đó thì ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu, thậm chí, một số ngân hàng nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp sẽ xuống ít hơn 3.000 tỷ đồng hoặc âm vốn.
Thế nhưng, tại cuộc họp tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 diễn ra mới đây, NHNN cho biết, đã lên phương án xử lý, quyết dọn sạch sở hữu chéo và ngân hàng yếu kém, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, không chỉ các ngân hàng thương mại, mà các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng nhân dân cũng sẽ được đưa vào xử lý dứt điểm.
NHNN cho biết, đã cơ bản nhận diện được đầy đủ các ngân hàng yếu kém, cả về số lượng cũng như vấn đề yếu kém trọng yếu cần xử lý của các ngân hàng này, trên cơ sở đó tham mưu các phương án xử lý. Cụ thể, NHNN đã khoanh vùng 5 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, bao gồm cả 3 ngân hàng 0 đồng và lên phương án xử lý ngay trong năm 2017, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN mua với giá 0 đồng thời gian qua để tránh đổ vỡ của toàn hệ thống là rất cần thiết, song NHNN cần tránh “ôm” lâu dài, mà phải nhanh chóng có đề án mua bán, sáp nhập. Thậm chí, thời gian tới, phương án phá sản ngân hàng cũng nên tính tới như Dự thảo về tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có lĩnh vực ngân hàng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra.
Còn liên quan đến sở hữu chéo, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra NHNN cho biết, NHNN đã đánh giá khách quan, trung thực, tình trạng sở hữu chéo hiện tại của hệ thống ngân hàng và sẽ xử lý dần. NHNN kỳ vọng đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm sở hữu chéo trong hệ thống.
Ngoài việc xử lý ngân hàng yếu kém, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 là nợ xấu. Số liệu của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,46%, giảm nhẹ so với cuối năm trước đó. Trong khi đó, số lượng nợ xấu mà VAMC mua về năm 2016 không nhiều: 839 khoản nợ với tổng dư nợ gốc hơn 23.000 tỷ đồng, giá mua 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng lo là, hầu hết khối nợ mà VAMC mua về 3 năm qua, khoảng 230.000 tỷ đồng vẫn hầu như đứng im.
Tổng số nợ thu hồi được mới đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, trong đó bán nợ chỉ thu về chưa đầy 4.000 tỷ đồng và bán tài sản đảm bảo chỉ thu về khoảng 12.000 tỷ đồng, còn lại là ủy quyền cho tổ chức tín dụng thu hồi.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các nhà băng nhỏ, yếu kém khó có thể nâng cao năng lực tài chính để đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cấu trúc, tốt nhất nên tìm đối tác tiềm năng để M&A.
Vân Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.