Trong kế hoạch đầu tư phát triển, nhiều doanh nghiệp thép ấp ủ chiến lược xây dựng nhà máy thép mới, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao để gia tăng sức cạnh tranh tranh trên thị trường và hơn nữa là mở rộng miếng bánh thị phần.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) đã thông báo chi tiết với cổ đông về kế hoạch xây nhà máy thép lá mạ mới đặt tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm.
Thị xã Phú Mỹ được Tôn Đông Á chọn là địa điểm xây nhà máy thép để mở rộng công suất
Tôn Đông Á cho biết, tổng mức đầu tư dự kiến cho nhà máy thép ở Phú Mỹ khoảng 10.000 tỷ đồng, được chia cho 3 giai đoạn. Thời gian thực hiện từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt giấy phép đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến công suất 300.000 tấn/năm; giai đoạn 2 sản xuất 200.000 tấn/năm, dự kiến hoạt động năm 2027 và giai đoạn 3 sản xuất 650.000 tấn/năm, dự kiến hoạt động 2029.
Sản phẩm của nhà máy này hướng tới sản xuất thép tôn chất lượng cao, phục vụ các ngành hàng như đồ gia dụng và nội thất. Việc triển khai dự án theo từng giai đoạn không chỉ đảm bảo hiệu quả đầu tư mà còn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp này.
Hiện tại, Tôn Đông Á sở hữu hai nhà máy gồm nhà máy Thủ Dầu Một và nhà máy Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn 800.000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy mới tại Phú Mỹ sau khi hoàn thành có thể nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.
Theo cập nhật từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự án nhà máy thép lá mạ Phú Mỹ của Tôn Đông Á đã có giấy phép đầu tư trong quý 4/2024. Hiện công ty đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng và dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2025. Tôn Đông Á kỳ vọng có thể đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 của dự án này trong quý 2/2026.
Theo VDSC, trong dài hạn, đây là chiến lược đúng đắn của công ty, khi trong chuỗi giá trị của ngành thép, thép dẹt ngoài dùng cho xây dựng (tôn mạ) còn có ứng dụng nhiều vào sản xuất công nghiệp (máy móc, thiết bị gia dụng, ô tô, đóng tàu…) và ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế so với thép xây dựng.
Nhà máy Thép Nam Kim
Một doanh nghiệp khác cũng đang triển khai đầu tư nhà máy mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu là CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG).
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Thép Nam Kim với khối lượng dự kiến 131,6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp trong vòng 3 tháng tới để đầu tư nhà máy mới. Thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp phép 2/12/2024.
Về phương án sử dụng vốn, toàn bộ 1.580 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán sẽ được Nam Kim góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian giải ngân dự án từ quý 4/2024 đến quý 1/2025.
Hồi tháng 4/2022, HĐQT Thép Nam Kim đã thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ và đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Dự án này hiện đã được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký đầu tư cấp lần đầu ngày 6/2/2024.
Được biết, dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ với quy mô bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Theo dự kiến, nhà máy Nam Kim Phú Mỹ sẽ đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim chủ yếu dùng trong xây dựng.
Bên cạnh đó, nhà máy này còn sản xuất các loại tôn thép: tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang.
Theo quy hoạch đến năm 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phú Mỹ sẽ trở thành đô thị cảng biển, là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển, thương mại, dịch vụ logistics và đầu mối giao thông cảng quan trọng. Phú Mỹ nằm ở phía tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích khoảng 334ha. Thị xã nằm dọc theo quốc lộ 51, cách TP.HCM khoảng 60km, cách TP Vũng Tàu khoảng 40km và cách TP Bà Rịa khoảng 20km. Không chỉ thừa hưởng vị trí liền kề với nhiều đô thị lớn, Phú Mỹ cũng hưởng lợi nhờ gắn liền với mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối rất đa dạng đã và đang được đầu tư. Trong đó có nhiều tuyến giao thông liên vùng như quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường 911B, cầu Phước An nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai), đường Vành đai 4, hệ thống đường sông. Dù không gắn trực tiếp song Phú Mỹ cũng có vị trí liền kề với nhiều hạ tầng giao thông quan trọng khác như Đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành... |
-
Diễn biến mới tại dự án cảng biển 5.700 tỷ đồng ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Dự án bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân do Công ty cổ phần Cảng quốc Tế QTM làm chủ đầu tư có quy mô khoảng 71,23ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.
-
Địa phương có cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á chính thức trở thành thành phố
Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Phú Mỹ chính thức được nâng cấp thành thành phố theo Nghị quyết số 1365/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã h...
-
Đề xuất gia hạn hoàn thành tuyến đường gần 1.200 tỷ vào cảng Cái Mép
Dự án đường Long Sơn - Cái Mép có tổng chiều dài hơn 3,7 km, kết nối KCN dầu khí Long Sơn với Thị xã Phú Mỹ, có tổng mức đầu tư hơn 1.188 tỷ đồng.