Nhiều người có ý định mua chung cư đang băn khoăn khi lãi suất ngân hàng có tín hiệu tăng trở lại.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và phục hồi phát triển kinh tế sau dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã trải qua 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm.
Bình quân lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm 2021 chỉ trong khoảng trên dưới 5%/năm. Đây được đánh giá là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Hiện nay, các ngân hàng vẫn duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25-30 năm, hỗ trợ người vay vốn giảm áp lực trả nợ từng tháng.
Lãi suất ngân hàng vay mua nhà thấp nhất trong tháng 5.2022 thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với mức 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu.
Thứ hai là PVcomBank khi ngân hàng này tiếp tục duy trì lãi suất cho vay mua nhà ở 5%/năm cho 6 tháng đầu.
Sacombank, VIB có sản phẩm cho vay mua nhà ở với giá trị cấp tín dụng bằng 100% giá căn nhà, lãi suất 8,3-8,5%/năm cho 1 năm đầu.
Techcombank đang cho vay mua nhà trả góp với các gói ưu đãi với lãi suất như 6,49%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên; 7,49% /năm cố định trong 6 tháng đầu tiên; 7,99% /năm cố định trong 12 tháng đầu tiên; 8,49% /năm cố định trong 24 tháng đầu tiên.
Tương tự, VietinBank áp dụng các mức lãi suất cho vay tiền mua nhà trả góp 8,62%/năm cố định trong 24 tháng đầu tiên; 9,5%/năm cố định trong 36 tháng đầu tiên.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi đã phát tín hiệu tăng dần từ đầu năm đến nay, do đó lãi suất cho vay cũng có thể sẽ tăng theo.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã điều chỉnh tăng thêm 0,5% cho kỳ hạn 3 tháng và tăng 0,4% cho kỳ hạn 24 tháng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tăng lãi suất thêm 0,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, thành 6%/năm…
Chuyên gia VnDirect dự báo, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm).
Giới quan sát thị trường cho rằng một khi các khoản vay trên hết thời gian ưu đãi lãi suất, cộng thêm hiệu ứng lãi suất đang tăng trở lại như hiện nay, chi phí trả lãi sẽ càng gây áp lực lên người mua nhà.
Anh Trần Trọng Đông (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2021, khi thấy lãi suất ngân hàng chỉ khoảng hơn 5%/năm, gia đình anh đã quyết định mua một căn hộ hơn 2 tỉ đồng tại quận Nam Từ Liêm, với chính sách ưu đãi lãi suất 0% trong vòng 23 tháng, sau đó lãi suất thả nổi theo thị trường.
Mặc dù còn hơn một năm nữa mới bắt đầu thời gian trả lãi nhưng trước tín hiệu tăng lãi suất, anh Đông lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ sắp tới của gia đình.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Quỳnh Như (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng vì không biết trong bối cảnh hiện nay, mức lãi suất sẽ “thả” ra sao để cân đối thu nhập và khoản lãi mỗi tháng.
“Gia đình tôi vay 70% giá trị căn hộ 2,3 tỉ đồng, nếu lãi suất thả nổi lên 12%/năm, tôi e là số tiền lãi và gốc mỗi tháng sẽ chiếm gần hết thu nhập. Lúc đó, chi phí sinh hoạt sẽ phải thắt chặt hơn rất nhiều” chị Như lo lắng.
Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Kiệt (Đống Đa, Hà Nội) lại đang chần chừ chưa dám quyết định xuống tiền cho một căn hộ mà anh đã nhắm trước đó tại Hà Đông.
Theo anh Kiệt, nếu lãi suất cho vay tăng trở lại, kế hoạch trả nợ được anh tính toán trước đó hoàn toàn không khả thi.
Trên thực tế, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ ở một số phân khúc, đáng chú ý là chung cư và đất nền do không kham nổi lãi vay hàng tháng.
Số khác trước sức ép lãi suất đang tăng trở lại, cộng với nguy cơ đóng băng của thị trường, sợ lợi nhuận không bù lại được chi phí lãi vay phải trả, càng để lâu càng “lấn sâu” nợ nần nên buộc phải thoát hàng nhanh, dù lỗ.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, lãi suất cho vay tăng là điều đã được dự báo trước đó. Tuy nhiên, từ nay tới hết năm 2022, lãi suất có thể chỉ tăng thêm 0,5-1%, do vậy tác động của nó lên nợ xấu là không lớn.
-
Rủi ro tiềm ẩn từ lãi suất tăng và giá nhà cao
Cho đến cách đây vài tháng, những người vay thế chấp tại các quốc gia phát triển vẫn an tâm vì cho rằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì. Còn hiện nay, lạm phát, lãi suất tăng và giá nhà ngày càng cao khiến nỗi lo kiếm đủ tiền để đặt cọc và trả khoản vay hàng tháng đè nặng lên người mua nhà, kèm theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...