“Không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của nhà nước trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” là trần tình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trước diễn đàn Quốc hội về 5 siêu dự án thua lỗ có vốn góp chủ yếu của các doanh nghiệp do Bộ này quản lý.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ
Số tiền tiêu tan tại 5 dự án lên tới trên 30.000 tỷ đồng đã gây nhiều thắc mắc trong dư luận suốt thời gian qua. 5 dự án đó là: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ do CTCP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, chủ đầu tư là CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do CTCP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải -Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco; Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Thiếu rạch ròi về quản lý
Ông Trần Tuấn Anh đã thừa nhận những căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến công tác quản trị tại các DNNN.
Thứ nhất, chưa rạch ròi và làm rõ trong công tác quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước, không chỉ với đầu tư công mà còn là đầu tư của các DNNN. Đặc biệt, chưa làm rõ vai trò của DNNN trong việc phát triển thị trường và phát triển sản xuất gắn với thị trường.
Thứ hai, những dự án này đã bộc lộ những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, nhất là khung pháp lý, cũng như thể chế về vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, các bộ chủ quản, các bộ quản lý về đồng vốn và hiệu quả vốn của nhà nước, cũng như các bộ quản lý quy trình, thủ tục đầu tư của DNNN và đầu tư của xã hội nói chung. Thiếu rõ ràng về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong DNNN.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, trong trách nhiệm của các bộ chủ quản, cũng như các bộ chuyên ngành, cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhà nước, nhất là trong khâu chất lượng của các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, cần gắn và làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý của nhà nước, cũng như của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, với những tồn tại từ khâu chiến lược, quy hoạch cho đến chủ trương và các nội dung cụ thể của đầu tư.
Trong số các dự án kể trên, có thể nhận thấy khá rõ sự thiếu rõ ràng và không rạch ròi như lời Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận qua kết luận của Thanh tra Chính phủ tại các dự án về nhiên liệu sinh học của PVN. Trước hết, đó là sự nhúng tay can thiệp quá sâu của cổ đông nhà nước vào hoạt động của các CTCP có vốn góp, mà ở đây là PVN và các đơn vị thành viên.
Tại Dự án Nhà máy Nguyên liệu sinh học phía Bắc ở Phú Thọ, PVN đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - đơn vị góp 39,7% vốn điều lệ ở Dự án này, cùng người đại diện phần vốn của PVN tại Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – CTCP (PVC), là một đơn vị thành viên trong Tập đoàn thực hiện gói thầu EPC của Dự án này.
PVN sau đó tiếp tục có văn bản thúc giục PV Oil, trong đó nêu lại việc PVN đã có chỉ đạo chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC và đề nghị PV Oil yêu cầu người đại diện của mình tại CTCP Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (chủ đầu tư Dự án) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt dự toán gói thầu, tiến hành các thủ tục chỉ đạo thầu, trong khi PVC không đủ năng lực theo quy định.
Tương tự, tại Dự án Nguyên liệu sinh học Dung Quất, PVN cũng có chủ trương chỉ định nhà thầu là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp Dầu khí (PTSC) liên danh cùng đối tác nước ngoài để thực hiện gói thầu EPC. Dựa trên căn cứ này, các đơn vị thành viên của PVN gồm Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Oil và người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị liên quan đã thống nhất chỉ định thầu cho PTSC và Alfa Laval (Ấn Độ) trúng thầu.
Thực tế này tương đồng với kết quả một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Theo đó, "ông chủ" nhà nước hành xử giống cơ quan hành chính hơn là một nhà đầu tư. Cụ thể hơn, doanh nghiệp thường xuyên phải có sự đồng ý của chủ sở hữu/cổ đông nhà nước khi ký các hợp đồng hoặc ra các quyết định thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông/HĐQT/tổng giám đốc/giám đốc. Trong những trường hợp này, cơ quan đại diện vốn nhà nước là PVN đã áp đặt nhiều quyết định về đầu tư tại các công ty có vốn góp.
Thiếu minh bạch và không có giám sát chéo
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói rằng, tại các doanh nghiệp có vốn góp của PVN trong những dự án đã được Thanh tra Chính phủ ra kết luận, tình trạng thiếu minh bạch, không có sự tham gia đối ứng của các nhóm cổ đông khác (do tỷ lệ đầu tư của Nhà nước - ở đây là PVN chi phối) đã hạn chế việc kiểm tra, giám sát về quản trị doanh nghiệp đối với ban điều hành, dẫn đến các sai phạm không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đơn cử, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt vi phạm như đội vốn đầu tư trong sử dụng vốn đầu tư tại PVB, Dự án Nguyên liệu sinh học Dung Quất hay Dự án Nguyên liệu sinh học Bình Phước…
TS. Võ Trí Thành, Nguyên Viện phó CIEM bình luận: “Thông tin chuyên nghiệp để quản lý ở cả tầm tổng thể, lẫn thông tin tương tác với thị trường của các DN này rất kém”.
Những lùm xùm gần đây tại PVC cũng là hậu quả của những mô hình quản trị doanh nghiệp thiếu tính đại chúng trong các công ty có vốn góp của Nhà nước chi phối. Không ít cổ đông của PVC bức xúc trước sự buông lỏng của PVN tại PVC, trong khi có thể ngăn chặn được tình trạng này sớm hơn. Sau hơn một năm PVC đi vào hoạt động, PVN đã thành lập Đoàn kiểm tra để làm rõ những sai phạm của PVC trong việc điều hành sản xuất kinh doanh theo quyết định số 8858/QĐ-DKVN ngày 27/11/2008.
Ngày 16/2/2009, PVN đã ra Chỉ thị số 898/CT-DKVN do bà Phan Thị Hòa - Ủy viên HĐQT PVN ký về việc chấn chỉnh hoạt động tại PVC. Chỉ thị này gồm 8 mục và nêu rõ nhiều giải pháp để hạn chế thua lỗ của PVC, như chấn chỉnh ngay thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị, quy định cụ thể quy trình thực hiện công tác đầu tư, đấu thầu của PVC và điều kiện trách nhiệm đối với các bộ phận, cá nhân thực hiện, đồng thời phải thực hiện đầy đủ thủ tục thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện đầu tư, mua sắm; chấm dứt việc PVC cho vay và thu lãi tiền sử dụng vốn của các đơn vị thành viên.
Nhưng sau đó, PVN đã không thực hiện chức năng của mình là đôn đốc, kiểm tra người đại diện vốn tại PVC thực hiện các yêu cầu trên, dẫn đến một loạt những hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã xảy ra tại PVC như kết luận của các cơ quan chức năng, hậu quả là khoản lỗ lũy kế lên tới gần 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013, làm thất thoát vốn của PVN và các cổ đông khác. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng đã có công văn đề nghị lãnh đạo PVN làm rõ phản ánh trên của cổ đông PVC nhưng Tập đoàn im lặng.
Không chỉ ở những dự án đã được cơ quan chức năng vào cuộc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trấn Tuấn Anh nói rằng, một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời, có khả năng gây ra nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước, cũng như nguồn lực xã hội.
Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, rà soát, kiểm tra để đánh giá thực trạng hiện nay của các dự án. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ xác định, làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý. Rõ ràng là có rất nhiều bài học quản trị cần rút ra sau việc rót hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án của DNNN.
Đức Hòa – Anh Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.