28/07/2017 7:56 AM
Không chỉ nhiều sai phạm từ khâu quản lý tới thực hiện hợp đồng, một số dự án BT còn có dấu hiệu biến tướng, khó kiểm soát...
Thi công dự án đường bộ nối tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: Hữu Phước
Thanh toán tiền ngay trong thời gian thi công
Cuối năm 2016, Bộ KH&ĐT đã ban hành Kết luận thanh tra về việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư, quá trình thực hiện dự án, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản tại Thái Bình. Trong đó có kết luận về Dự án tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn đi qua tỉnh Thái Bình. Trong đó, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án dẫn đến tổng mức đầu tư tăng không đúng và rất lớn.
Theo đó, dự án được đầu tư theo hình thức BT do nhà đầu tư liên danh Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Bắc đề xuất. Tháng 10/2008, UBND tỉnh Thái Bình đã chấp thuận chỉ định thầu nhà đầu tư này để thực hiện dự án và tháng 1/2010 phê duyệt với mức tổng đầu tư hơn 2.347 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư lại xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 4.281 tỷ đồng và cũng được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận vào tháng 6/2014.
Theo hồ sơ, tài liệu thu thập được, tại thời điểm UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đã không được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình cũng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Kết luận Thanh tra cho thấy, các sai sót, sai phạm trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã khiến dự án bị đội lên 1.437 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí xây lắp tăng không đúng hơn 574 tỷ đồng.
Dự án BT này được thanh toán bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, được phân cho Thái Bình trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ, nhà đầu tư được thanh toán ngay khi đang thực hiện dự án. Cụ thể, từ khi khởi công tới tháng 12/2015, khối lượng dự án đã thực hiện cơ bản được thanh toán bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án là 1.483/1.492 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa, nhà đầu tư hầu như chưa phải huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện dự án theo quy định đối với hình thức BT. Thế nhưng lúc phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, cơ quan chức năng lại chấp thuận cả phần lãi vay và lợi nhuận nhà đầu tư mà chưa trừ phần giá trị khối lượng đã được thanh toán. Chính sai sót này đã khiến tổng mức đầu tư bị đội lên hơn 788 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ KH&ĐT kiến nghị xem xét không bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để thanh toán phần giá trị tổng mức đầu tư tăng thêm so với mức ban đầu đã được phê duyệt. UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.
Hợp tác công - tư hay công - công?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Hoàng Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phương Anh đã bác bỏ những nội dung trong kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT và cho rằng, dự án này không nằm trong đối tượng bị thanh tra của Bộ KH&ĐT. “Theo Quyết định của Bộ KH&ĐT, đối tượng thanh tra là các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2014-2015. Trong khi dự án của chúng tôi, vốn là của nhà đầu tư, được phê duyệt từ năm 2010. Hiện, Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán với dự án”, bà Phương Anh giải thích và cho biết thêm, doanh nghiệp và tỉnh Thái Bình cũng đã có ý kiến về vấn đề này.
Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Bộ KH&ĐT nhấn mạnh với Báo Giao thông, đối tượng thanh tra của cơ quan này là UBND tỉnh Thái Bình, với các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của tỉnh giai đoạn 2014-2015, cũng như các dự án chuyển tiếp giai đoạn này nên không thể nói dự án không nằm trong đối tượng thanh tra.
Để làm rõ thêm sự việc, Báo Giao thông đã đặt ra rất nhiều câu hỏi đối với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình như: Tại sao một dự án theo hình thức hợp đồng BT lại được thanh toán bằng tiền ngay khi đang thi công? Trong trường hợp địa phương đã xin được vốn ngân sách, tại sao không thực hiện dự án theo phương thức đầu tư công? Tuy nhiên, câu trả lời mà PV nhận được từ đại diện UBND tỉnh Thái Bình rất ngắn gọn: “Việc thanh toán giải ngân bằng vốn Trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 1980/TTg-KTN ngày 8/10/2014”.
Tương tự, khi được hỏi, kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bộ KH&ĐT đã nêu hơn 1 năm, tới nay những sai phạm, trách nhiệm các bên liên quan đã được xử lý như thế nào, vị đại diện cho biết: “Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án. Khi nào có kết luận, UBND tỉnh sẽ thông báo”.
PV Báo Giao thông cũng đã đặt vấn đề trên với Kiểm toán Nhà nước và được đại diện cơ quan này cho hay, tới nay vẫn chưa có kết quả kiểm toán.
Đại diện Thanh tra Bộ KH&ĐT chia sẻ thêm, một số dự án BT trong giai đoạn 2011-2015, được thực hiện tại những địa phương nơi nguồn lực đất không hấp dẫn, đều được chuyển sang thanh toán bằng tiền dưới hình thức Trái phiếu Chính phủ với lý do phục vụ nhu cầu cấp thiết.
“Về nguyên tắc, ngân sách không có tiền mới thực hiện dự án BT để huy động nguồn lực xã hội. Theo đó, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra làm trước, chỉ sau khi dự án được nghiệm thu và bàn giao mới được thanh toán bằng đất hoặc bằng tiền theo kế hoạch trong hợp đồng. Thế nhưng, với những dự án BT được thanh toán bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, sau khi được phê duyệt và phân bổ, địa phương nhanh chóng dùng tiền này chi trả cho các nhà đầu tư ngay trong quá trình đang thi công. Trong trường hợp này, hình thức thanh toán rõ ràng là đầu tư công nhưng lại dưới mác hợp đồng BT”, vị đại diện thanh tra phân tích và đặt vấn đề: “Phải chăng đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công - tư đã bị biến tướng thành công - công? Qua đó, thay vì phải kiểm soát quản lý chặt chẽ như đầu tư công, cơ quan chức năng lại nơi lỏng, phó mặc cho nhà đầu tư?”.
Như Báo Giao thông đã đề cập trong kỳ 1 của loạt bài này (Bài “Cơ quan quản lý buông lỏng, nhà đầu tư tung hoành” ra ngày 24/7), với dự án đầu tư bằng ngân sách, quá trình thực hiện được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi tới quyết toán công trình. Song, với dự án BT, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát chi phí của dự án ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tới khi quyết toán giá trị hợp đồng, dự án được xem xét, chấp thuận trên cơ sở báo cáo quyết toán do nhà đầu tư lập được tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm và có biểu hiện thất thoát trong dự án BT như Báo Giao thông đã phản ánh trong loạt bài vừa qua.
Bộ KH&ĐT vừa qua cũng “bác bỏ” một số đề nghị từ các địa phương xin bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho dự án BT. Mới đây nhất, tháng 1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị đưa dự án BT nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai vào kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, song không được Bộ KH&ĐT chấp thuận.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Hoàng Ngân - Thảo Nguyên (Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.