02/11/2018 8:54 AM
CafeLand - Hầu hết các dự án đã được ra thị trường trong thời điểm cao trào, trong khi việc tạo lập dự án mới khó khăn hơn đã khiến cho nguồn cung bất động sản trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể. Các chuyên gia cho rằng, việc khan hiếm nguồn cung mới sẽ kích hoạt việc tăng giá bât động sản và dịch trong thời gian tới.

Việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá bất động sản lên cao. Ảnh: Thuận Nguyễn

Cung giảm rõ rệt

Theo thống kê sơ bộ của CafeLand, quý 3/2018, thị trường căn hộ TP.HCM đón nhận 6.056 căn hộ được chào bán từ 13 dự án, trong đó có 5 dự án mới và 8 dự án hiện hữu. Số dự án chào bán trong quý sụt giảm mạnh so với quý trước.

Sự sụt giảm này đến từ việc thiếu vắng các dự án mới từ các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Điển hình như Hưng Thịnh Corp, nếu như năm 2017 doanh nghiệp này đưa ra hàng loạt dự án mới như Lavita Charm, Richmond City, Moonlight Boulevard, Sài Gòn Mystery Villas thì trong năm nay số lượng dự án đưa ra thị trường của “ông lớn” này giảm đáng kể. Dự án quy mô nhất tại TP.HCM Hưng Thịnh đưa ra thị trường từ đầu năm đến nay là Q7 Saigon Riverside với khoảng 3.000 căn hộ và đã được tiêu thụ rất nhanh.

Hay một doanh nghiệp lớn khác là Novaland năm nay cũng tung ra khá ít dự án ở TP.HCM. Trong đó có thể kể đến Victoria Village tại quận 2 và mới đây là căn hộ hạng sang The Grand Manhattan tại vùng lõi trung tâm quận 1 với quy mô khoảng 1.000 căn hộ. Được biết, để chính thức đưa dự án này ra thị trường ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã mất đến 11 năm để triển khai các thủ tục pháp lý, đền bù giải tỏa và thực hiện dự án.

Tình cảnh này không chỉ của riêng Novaland khi mà trong năm nay, hàng loạt doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản như Phú Long, Him Lam, Thủ Đức House cũng gần như không đưa ra dự án mới hoặc chỉ 1 vài dự án quy mô nhỏ.

Theo Jones Lang LaSalle Việt Nam, quý 3 vừa qua TP.HCM tiếp tục ghi nhận lượng mở bán chính thức trong phân khúc căn hộ đạt 8.086 căn, giảm mạnh so với con số 11.744 căn trong quý 3/2017. Trong đó hầu hết các dự án đã mở bán từ 2-3 quý trước, số lượng nguồn cung mới mở bán trong quý 3/2018 khá hạn chế.

Báo cáo của Công ty CBRE Việt Nam cũng nhận định rằng số lượng căn hộ chào bán mới tại TP.HCM trong quý vừa qua giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 6.711 căn hộ. Tính trong 9 tháng, nguồn cung căn hộ cũng giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 22.363 căn.

Giá tăng là điều khó tránh khỏi

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm khá rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở của các dự án giảm đến 44,5%.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản trên thị trường TP.HCM sụt giảm. Phần lớn các dự án mà doanh nghiệp có sẵn quỹ đất hoặc mua lại trước đó đã được tung ra vào thời điểm cao trào của thị trường vào năm 2017. Do vậy đến thời điểm hiện tại nguồn cung đã vơi đi đáng kể.

Trong khi đó, việc phát triển các dự án mới hiện nay đang vướng chi phí giá đất ngày càng cao. Doanh nghiệp muốn có dự án mới đưa ra thị trường thời điểm này thì phải có đất từ năm 2016-2017, thời điểm giá đất đã tăng rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong bài toán đầu tư dự án mới.

Mặt khác, chính sách của thành phố về quy trình thủ tục để đầu tư dự án ngày càng thắt chặt nhằm điều tiết thị trường khiến doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Cũng theo ông Quang, việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá bất động sản lên cao. Nếu như trước đây các dự án căn hộ bình dân có mức giá khoảng 800 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên đến khoảng 1-1,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các dự án mới tung ra thị trường hiện nay cũng có xu hướng dịch chuyển ra xa trung tâm thành phố và người mua cũng dần chấp nhận việc đi xa hơn một chút.

“Đó là lý do vì sao chúng ta thấy khu vực thành phố ít nguồn cung mới thì các doanh nghiệp dần tìm về các thị trường kề cận thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai hay thậm chí là Bà Rịa Vũng Tàu”, ông Quang nói và đề xuất thêm rằng, việc điều chỉnh thị trường là cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc kỹ càng để dung hòa được sự ổn định của thị trường và đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200ha đất ở. Kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.