19/03/2017 7:40 PM
Trong bổi cảnh FED liên tục tăng lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại nguy cơ 'chảy máu' ngoại tệ từ Việt Nam.

Sau nhiều đồn đoán, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, đạt mức 0,75-1% trong tuần vừa qua. Như vậy, trong vòng 3 tháng trở lại đây, FED đã tăng lãi suất 2 lần, thêm tổng cộng 0,5%.

Hai lần tăng lãi suất gần đây nhất của FED là vào ngày 15/3/2017 và giữa tháng 12/2016 (Ảnh minh họa: Vũ Hạnh)

Dễ nhận thấy. khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ các nước khác, trong đó Việt Nam đổ vào các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất.

Nguy cơ 'chảy máu' ngoại tệ

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, động thái tăng lãi suất lên 0,25% vừa qua là nằm trong kế hoạch của FED. Bởi vì, thông thường, FED sẽ quyết định tăng lãi suất khi tỷ lệ lạm phát tiệm cận 2% và tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%.

"Kế hoạch tăng lãi suất lần này của FED đã có từ năm ngoái, không phải do yếu tố bất thường nào tác động như nhiều tin đồn gần đây. Đây là một điều bình thường của ngân hàng trung ương khi họ thấy rằng cần phải kiềm chế lạm phát nên họ tăng lãi suất để siết chặt chính sách tiền tệ", TS. Hiếu Phân tích.

Về tác động của chính sách tăng lãi suất của FED lần này, chuyên gia Nguyến Trí Hiếu cho rằng, khi lãi suất tăng lên sẽ kéo những giá trị tài sản được tính bằng đồng USD tăng lên, ngay cả giá trị đồng USD cũng tăng lên. Điều này sẽ thu hút nguồn vốn lớn đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt là các dòng vốn sẽ rời khỏi những thị trường mới nổi như Việt Nam để trở về Mỹ.

Theo đó, ông Hiếu dự báo thời gian tới, một nguồn tiền lớn sẽ chảy về Mỹ. Việc này sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn nếu thời gian tới FED tiếp tục tăng lãi suất (dự kiến thêm 2 lần nữa trong năm nay - PV). Nếu mỗi lần đơn vị này tăng 0,25% lãi suất thì thị trường tài chính Mỹ sẽ trở nên cực kỳ hấp dẫn thời gian tới.

Phân tích sâu hơn về tác động tới nền kinh tế Việt Nam, ông Hiếu nói chính sách tăng lãi suất của FED sẽ tác động tới Việt Nam theo 2 hướng chính. Thứ nhất là sẽ có sự chuyển dòng tiền đầu tư từ Việt Nam về Mỹ. Thứ hai là làm tăng áp lực tỷ giá lên tiền đồng đối với đồng USD.

Khi giá đồng USD tăng mà đồng Việt Nam ổn định thì giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước sẽ đắt đỏ hơn và doanh nghiệp Việt có thể mất tính cạnh tranh trên hàng xuất khẩu. Chính vì thế, có thể tại một thời điểm nào đó, nếu áp lực quá lớn thì Việt Nam sẽ phải điều chỉnh tăng tỷ giá tiền đồng để hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước khác rẻ hơn, TS. Hiếu nhận định.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đánh giá khi lãi suất tiền gửi của Mỹ tăng lên thì sẽ kích thích một nguồn tiền gửi lớn từ Việt Nam đổ vào các ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất. Để chặn đứng điều này, có thể cho phép các ngân hàng trả lãi suất trên tiền gửi USD mà hiện tại đang duy trì ở mức 0%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách hạ lãi suất huy động USD về mức 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, kết hợp với nhu cầu vay ngoại tệ ở mức thấp đã làm cho các NHTM gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ.

Cần lưu ý đến tác động 'âm thầm'

Chia sẻ trên Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, tác động của việc FED tăng lãi suất không diễn ra ngay lập tức vì thị trường đã tính toán trước.

Tuy nhiên, theo ông Hải, về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam không tăng thì trong vài tháng tới sẽ thấy tác động lên ngoại hối.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, nếu FED tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến thêm 2 lần nữa trong năm 2017 và 3 lần trong năm tiếp theo - PV), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.

Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, vì thế, theo ông Hải, cần phải chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi đến xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát.

Trần Ngọc (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.