Mặc dù được liệt vào danh sách "nhà nguy hiểm" có thể sập bất cứ lúc nào, nhưng suốt 5 năm qua, tại Khu tập thể (KTT) số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) vẫn có hộ dân "liều mình" kinh doanh và sinh sống.
Nhiều hộ dân vẫn sinh sống ngay sát khu vực bị sập và hư hỏng nặng.
Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị liên quan được giao quản lý tòa nhà không có giải pháp triệt để di chuyển các hộ khỏi khu vực nguy hiểm? Nếu xảy ra sự cố, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Phớt lờ nguy hiểm!

KTT 51 Huỳnh Thúc Kháng có 2 đơn nguyên, gồm 42 hộ dân sinh sống, trước đây thuộc sở hữu của Tổng công ty Tài nguyên môi trường (TNMT) Việt Nam, đến tháng 12-2010 được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà (QL&PTN) Hà Nội. Tháng 3-2011, căn nhà 5 tầng số 49 sát bên cạnh đổ sập, gây hư hỏng nghiêm trọng đơn nguyên 1, vì vậy KTT này được liệt vào danh sách "nhà nguy hiểm - mức độ D". Tại thời điểm đó, ở đơn nguyên 1 có 19 hộ dân sinh sống thuộc diện bắt buộc phải di dời. Ngày 8-7-2011, UBND quận Đống Đa đã phê duyệt phương án tạm cư cho các hộ này tại chung cư 9B Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Tuy nhiên, chỉ có 15 hộ chấp thuận di dời, còn 4 hộ dân vẫn ở lại từ đó đến nay.

Theo thông tin của phóng viên có được, đến ngày 14-4-2016, đơn nguyên 1 có tới 7 căn đang có người ở, bao gồm: Căn 304 của ông Nguyễn Như Giảng; hai căn 404A và 404B của ông Lương Văn Châm; căn 503 của ông Lương Đình Hùng; căn 504 của ông Ngô Minh Ngọc. Hai căn còn lại là 403 và 405, theo thông tin cung cấp của ông Nguyễn Toàn Bách ở nhà số 403 thì "được anh Cường (Nguyễn Hồng Cường, người làm nhiệm vụ trông coi tầng 1 và 2 đơn nguyên 1) bố trí cho vào ở từ tháng 1-2016". Tương tự, đối với căn số 405, hiện có người sử dụng và theo bà Đinh Thị Mai Thinh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 11 thì những người này cư trú từ khoảng tháng 1-2016.

Trong khi đó ở tầng 1, phía mặt tiền phố Huỳnh Thúc Kháng có một cửa hàng kinh doanh quần áo diện tích khoảng 200m2; một phần tầng 1 phía sau và mảnh đất rộng chừng 100m2 giáp Ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng (dưới phần bị đổ sập), đã được quây tôn kín là cửa hàng sửa chữa xe máy. Khảo sát thực tế cho thấy, người dân sinh sống ở đây khá... bí mật. Lối duy nhất vào khu "nhà nguy hiểm" luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, rất khó để tiếp cận các hộ dân bên trong. Bà Đinh Thị Mai Thinh chia sẻ: Rất may là chừng ấy năm không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tôi rất mong họ sẽ sớm di chuyển đến nơi tạm cư để bảo đảm an toàn.

Ông Trần Minh Khôi, Phó Giám đốc Xí nghiệp QL&PTN Đống Đa - đơn vị được Công ty QL&PTN Hà Nội giao trông coi khu tập thể, cho biết: Theo quyết định tạm giao quản lý KTT 51 Huỳnh Thúc Kháng của UBND quận Đống Đa, Xí nghiệp tiếp nhận quản lý từ tầng 3 đến tầng 5; Tổng công ty TNMT Việt Nam quản lý tầng 1 và tầng 2. Còn theo thông tin của ông Đặng Văn Long, Chánh Văn phòng Tổng công ty TNMT Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Cường là người được Tổng công ty thuê chỉ để trông coi nhà, không được làm gì khác. Quan điểm của Tổng công ty TNMT là nếu có vi phạm về việc sử dụng nhà vào mục đích khác, đề nghị các cơ quan can thiệp và phối hợp xử lý để bảo đảm an toàn.

Ai chịu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của xí nghiệp khi được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp khu vực có hộ dân sinh sống, ông Khôi cho rằng: Chúng tôi chỉ "đứng ở vòng ngoài". Nếu có việc gì muốn kiểm tra thì phải báo cho tổ trưởng dân phố và người bảo vệ của Tổng công ty TNMT mới vào được bên trong. Không bố trí được người thường trực ở đây vì không có phòng, các hộ dân ở đây tự quản. Ông Khôi thừa nhận thiếu sót của xí nghiệp là sau khi tiếp nhận quản lý ngôi nhà, có biết việc 4 hộ dân vẫn sinh sống ở đây nhưng đã không lập biên bản báo cáo cấp trên; đồng thời nhấn mạnh: "Khu nhà này thuộc diện nhà nguy hiểm mức độ cao, vì vậy việc ăn ở của các hộ dân không bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản".

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV QL&PTN Hà Nội thừa nhận: "Các hộ ở đây rất nguy hiểm. Chúng tôi đã thông báo nhiều lần đến các hộ dân. Còn việc xử lý hoặc cưỡng chế trong trường hợp các hộ dân không chấp hành di chuyển là trách nhiệm của chính quyền, công ty không có nhiệm vụ". Trả lời câu hỏi trong 5 năm qua công ty đã báo cáo về thực trạng và đề xuất kiến nghị gì đến các cấp, các ngành liên quan, bà Hà chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát và báo cáo cụ thể với Sở Xây dựng để đề nghị các biện pháp giải quyết".

Trái ngược với quan điểm của Công ty QL&PTN Hà Nội, lãnh đạo chính quyền phường Láng Hạ cho rằng, Công ty TNHH QL&PTN Hà Nội và Xí nghiệp QL&PTN quận Đống Đa được UBND thành phố và UBND quận Đống Đa giao trách nhiệm quản lý tòa nhà nguy hiểm này nên phải có trách nhiệm chính. Theo ông Bạch Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ, UBND phường có trách nhiệm quản lý về hành chính, đôn đốc kiểm tra, nếu họ không thực hiện thì UBND phường sẽ báo cáo với cấp thẩm quyền để xử lý.

Về giải pháp trước mắt, ông Trung kiến nghị Tổng công ty TNMT Việt Nam có biện pháp dừng ngay các hoạt động không đúng quy định; Công ty QL&PTN Hà Nội khẩn trương có phương án di dời các hộ dân khỏi khu vực nhà nguy hiểm để bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. "Trường hợp để xảy ra các sự cố liên quan đến người và tài sản, làm gia tăng mức độ nguy hiểm của tòa nhà, Công ty QL&PTN Hà Nội, Xí nghiệp QL&PTN quận Đống Đa, Tổng công ty TNMT Việt Nam hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm theo quy định" - ông Bạch Quang Trung bày tỏ quan điểm.

Về lâu dài, theo ông Bạch Quang Trung, UBND phường mong sớm có phương án xử lý nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng để cho các hộ dân được tái định cư. Được biết ở thời điểm xảy ra sự cố vào tháng 3-2011, UBND TP Hà Nội đã giao trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan liên quan về việc di dời hộ dân đến nơi tạm cư; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn khu vực xảy ra sự cố và tiến hành các bước kiểm tra, khảo sát, đánh giá để trình phương án sửa chữa hoặc xây dựng mới KTT.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết: Ngoài các biện pháp áp dụng để bảo đảm an toàn cho cư dân, đến nay chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức về việc triển khai dự án xây dựng ở KTT 51 Huỳnh Thúc Kháng. Ông Hà Anh Tuấn cũng khẳng định, Phòng Quản lý đô thị sẽ tham mưu cho UBND quận báo cáo UBND thành phố đề nghị các cấp, các ngành liên quan kiểm tra và có chủ trương tiến hành xây dựng dự án.

Trong khi các cơ quan có trách nhiệm chưa phân định được trách nhiệm thuộc về ai, một số hộ dân vẫn đang "liều mình" bám trụ trong ngôi nhà chờ sập, còn 15 hộ dân đã di chuyển chưa biết bao giờ được quay trở về nơi ở cũ. Nếu cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị liên quan không có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết thì không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra!
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp: UBND phường Láng Hạ phối hợp với Xí nghiệp QL&PTN quận Đống Đa thông báo, yêu cầu các hộ còn sử dụng, ăn ở, sinh hoạt trong phạm vi công trình số 51 phố Huỳnh Thúc Kháng phải di dời ngay toàn bộ người, tài sản ra khỏi phạm vi nguy hiểm, rào chắn công trình nguy hiểm, lắp đặt biển báo công trình nguy hiểm; Xí nghiệp QL&PTN Đống Đa báo cáo Công ty QL&PTN Hà Nội để sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng lại công trình số 51 Huỳnh Thúc Kháng.
Chí Kiên (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.