24/11/2020 7:30 AM
CafeLand - Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phát hành trái phiếu huy động vốn với mức lãi suất cao, có nơi lên tới 18%. Nhiều nhà đầu tư lo ngại liệu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu bất động sản có phải là kênh đầu tư rủi ro hay không vì doanh nghiệp phát hành thường không vay được vốn ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực

Trao đổi về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tương đối nhanh trong khoảng 3 năm gần đây, với 3 lý do chính.

Thứ nhất là Chính phủ có định hướng phát triển thị trường này nhằm đa dạng hóa nguồn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.

Thứ hai là, quy mô, xuất phát điểm của thị trường còn ở mức thấp (hiện mới tương đương khoảng 11-12% GDP, so với mức bình quân khu vực 20-25% GDP).

Thứ ba, đây cũng là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn.

“Tuy nhiên, trong quy luật kinh tế, lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro cao. Cũng không hẳn những doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản không vay được vốn ngân hàng, mà đôi khi là do tính toán về cơ cấu nguồn vốn, tức là họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần, nhất là nhằm huy động nguồn vốn dài hạn trong bối cảnh nguồn vốn này từ phía ngân hàng còn hạn chế nhất định”, ông Lực cho biết.

Theo ông Lực, để phát hành trái phiếu bất động sản, trước tiên, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ, nắm bắt thực chất của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản. Sau đó cần nắm rõ về giao dịch phát hành đó, nhất là các điều kiện về lãi suất, về tài sản đảm bảo, về thanh toán gốc và lãi, điều kiện chuyển nhượng, tính minh bạch cũng như có đúng quy định pháp luật hay không (hiện nay là tuân thủ theo Nghị định 81 Chính phủ, có hiệu lực từ 1/9/2020).

Trong đó, cần lưu ý điều kiện về lãi suất, thí dụ doanh nghiệp quảng bá lãi suất lên đến 18%/năm, cần được hiểu rằng không phải là lãi suất cố định một năm, mà đây là tối đa, thực tế có thể thấp hơn. Trái phiếu càng dài hạn thì lãi suất phải càng cao vì tính rủi ro cao hơn.

“Tôi mong rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết 81, trong đó, cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo, ra quyết định”, ông Lực nhấn mạnh.

Phân tích về tính rủi ro giữa hai kênh đầu tư bất động sản trực tiếp (mua sản phẩm bất động sản) và gián tiếp (mua trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản), ông Lực cho rằng, về nguyên tắc kinh tế - đầu tư, rủi ro cao, lợi nhuận cao và ngược lại.

Trong trường hợp này, đầu tư trực tiếp (mua sản phẩm bất động sản) sẽ rủi ro hơn thì cũng sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Đầu tư gián tiếp (thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu), nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thì sẽ nhận được mức lãi suất ổn định theo kỳ tính lãi, còn đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản thì cổ tức và giá cổ phiếu ăn theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nếu xếp theo thứ tự rủi ro từ thấp đến cao, thì sẽ là: trái phiếu, cổ phiếu, mua sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, điều này còn tùy thuộc vào phân khúc bất động sản định đầu tư, vì phân khúc bất động sản nhà ở ít rủi ro hơn so với các phân khúc bất động sản khác.

Ông lực đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, đó là đảm bảo nguyên tắc đa dạng hóa, không nên dùng đòn bẩy quá nhiều và tránh tâm lý đám đông.

Giữa trái phiếu bất động sản do doanh nghiệp trực tiếp phát hành và phát hành qua ngân hàng làm đại lý bán lẻ, ông Lực khuyên nhà đầu tư cần phân tích, đánh giá năng lực của chính doanh nghiệp phát hành đó để quyết định đầu tư hay không.

Vì ngân hàng có thể bảo lãnh/bao tiêu phát hành - tức là nếu bán không hết trái phiếu, ngân hàng sẽ mua số còn lại; nhưng ngân hàng không bảo lãnh việc trả nợ thay khi doanh nghiệp khó khăn, vỡ nợ”, ông Lực lưu ý.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.