06/07/2022 3:12 PM
Với việc giá của nhiều cổ phiếu thép của các doanh nghiệp lớn liên tục lao dốc không phanh từ đầu năm nay trong bối cảnh thị trường thép ảm đạm, liệu có nên đặt niềm tin vào cổ phiếu thép trong thời điểm này?

Sau giai đoạn hưởng lợi từ giá thép tăng cao và lập đỉnh lịch sử, nhóm cổ phiếu thép đã đảo chiều và bước vào chu kỳ giảm điểm mạnh.

Đến thời điểm hiện tại, một số cổ phiếu thép đã có dấu hiệu hồi phục nhưng hầu hết vẫn ghi nhận mức giảm sâu so với đầu năm. Trên thực tế, 3 cổ phiếu thép quen mặt với nhà đầu tư nhất là HPG của Hòa Phát, HSG của Hoa Sen và NKG của Nam Kim đều đang loanh quanh mức giảm 35-40%.

Giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép

Trong báo cáo về ngành thép mới đây, SSI Research nhận định, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước, đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu thép có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.

Với Tập đoàn Hòa Phát, cổ phiếu HPG của doanh nghiệp này đang giao dịch ở mức P/E 2022 là 5,2 lần – mức thấp nhất trong lịch sử. SSI Research giảm P/E và EV/EBITDA mục tiêu 1 năm lần lượt từ 7,5x và 5,5x xuống 6x và 4,5x, do định giá các công ty cùng ngành trong khu vực giảm và triển vọng lợi nhuận suy yếu.

Theo đó, đánh giá khả quan đối với cổ phiếu của Hòa Phát, nhưng giảm giá mục tiêu xuống 27.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu HSG của Hoa Sen đang giao dịch ở với PE dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 6,3x và 6,0x. Do đó, SSI tiếp tục duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu của doanh nghiệp này với giá mục tiêu 1 năm là 17.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 6x.

Tương tự, SSI Research thay đổi khuyến nghị cho cổ phiếu NKG của Nam Kim từ Khả quan thành trung lập với giá mục tiêu 1 năm là 21.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/E mục tiêu là 5 lần.

Với việc giá cổ phiếu lao dốc cũng khiến vốn hóa doanh nghiệp ngành thép bị bốc hơi hàng trăm ngàn tỷ đồng. Mới đây là trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp này cho biết đã chào bán hơn 4,9 triệu cổ phiếu ưu đãi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 40% so với giá thị trường, nhưng bị ế hơn 2 triệu cổ phiếu.

Công ty Chứng khoán SSI cũng lưu ý thêm, sụt giảm là điều không thể tránh khỏi nhưng tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức đáy như giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.