Từ đầu năm 2022, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết liên tục đề xuất đầu tư loạt dự án quy mô “khủng” ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Liệu những dự án này có được hiện thực hóa với tình hình tài chính hiện tại và những lùm xùm liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết gần đây?

Đề xuất loạt dự án “khủng”

Đầu tư vào dự án “treo” 18 năm - Sài Gòn Safari. Mới đây nhất, tại Củ Chi, FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án: dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910ha).

Theo đó, dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm khoảng 40km. Dự án bao gồm 5 phân khu: khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.

Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, quy mô hơn 910ha tại xã An Phú và xã Phú Mỹ Hưng. Vị trí dự án phía Bắc và phía Đông giáp sông Sài Gòn, phía Tây và Tây Nam giáp đường tỉnh lộ 15, dễ dàng kết nối với khu di tích lịch sử Củ Chi và dự án Công viên Sài Gòn Safari. Dự án này được định hướng phát triển theo tiêu chí sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng để trở thành một tổ hợp đa chức năng, khu đô thị đáng sống phía Tây Bắc TP.HCM.

Khu đô thị gần 1.200ha tại Bình Chánh: Vào đầu tháng 2/2022, FLC cho biết đã làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.HCM) để đề xuất chi tiết kế hoạch đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City (tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM). Dự án có quy mô 1.154ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.

FLC đề xuất bao gồm dự án có 5 phân khu: Khu đô thị sinh thái, Khu đô thị sáng tạo và khoa học kỹ thuật, Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Khu đô thị dịch vụ, tái định cư và nhà ở xã hội, Khu dân cư hiện hữu và tái định cư. Điểm nhấn của toàn dự án là tòa tháp Landmark 99 tầng nằm ở lõi dự án, được kỳ vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng mới tại phía Tây TP.HCM.

Dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng. Hồi tháng 2/2022, Tập đoàn FLC đã có văn bản đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ngày 21/3 vừa qua, Tập đoàn FLC và PetroTrade Lào đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một phần của dự án. Hai bên sẽ cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam.

Khu đô thị hơn 2.000 tỷ tại Vĩnh Phúc: Dự án này được tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư hồi cuối năm 2021. Dự án có quy mô khoảng 47ha, nằm trong quy hoạch phân khu B2 tỷ lệ 1/2.000 khu vực phát triển đô thị, dịch vụ tại TP. Vĩnh Yên, huyện Yên Lạc và huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ thời điểm được chấp thuận kết quả lựa chọn nhà đầu tư; tiến độ đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026.

Quy mô dự án gồm khu thương mại dịch vụ cao 5 tầng (5.120 m2); khu thương mại dịch vụ cao 4 tầng (8.476 m2); khu liền kề cao 4 tầng (43.334 m2); khu nhà ở xã hội cao 2 tầng (13.748 m2); trường liên cấp cao 3 tầng (hơn 3.445 m2); khu chợ, siêu thị cao 3 tầng (1.181 m2); khu công viên, cây xanh (2.344 m2); xây dựng hồ cảnh quan (hơn 15 ha)…

Theo thông tin từ doanh nghiệp này, hiện FLC đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.

Trong năm 2022, FLC đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn…

Lợi nhuận FLC giảm mạnh trong năm 2021

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của FLC, lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của tập đoàn đạt gần 6.772 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 83,6 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 50% và 73% so với năm 2020.

Nguồn thu lớn nhất của FLC là bán hàng hóa, thành phẩm,… chiếm gần 3.800 tỷ đồng. Kế đến là mảng bất động sản với đóng góp vào khoảng 2.145 tỷ đồng.

Lý giải về sự sụt giảm này, FLC cho biết do ảnh hưởng của đại dịch và không còn hợp nhất báo cáo tài chính của Bamboo Airways đã khiến doanh thu hợp nhất giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính riêng của tập đoàn mẹ, FLC đang nắm giữ 21,7% tại Bamboo Airways, thấp hơn mức 25,88% tại thời điểm tháng 6/2021. Khoản đầu tư này có giá gốc 4.015 tỷ đồng, nhưng đang được FLC trích lập dự phòng gần 388 tỷ đồng, tương đương giá trị hợp lý còn lại đạt 3.627 tỷ.

Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, FLC mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của FLC đạt 33.787 tỷ đồng, giảm 10,75 so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu 9.700 tỷ đồng, giảm 38%. Tổng nợ phải trả khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn gần 16.000 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ so với đầu năm, còn dài hạn tăng hơn 1.700 tỷ lên 8.112 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2022, FLC vẫn đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu gần 27.000 tỷ và lợi nhuận 2.100 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng doanh thu hợp nhất. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự kiến đóng góp gần 33% còn lại.

Trên thị trường chứng khoán, sau những thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC, cổ phiếu họ FLC trong phiên giao dịch ngày 28/3 liên tục bị bán tháo.

Trong đó, giá cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 13.600 đồng, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) bị giảm sàn còn 8.770 đồng, HAI (Nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 6.320 đồng, AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 6.650 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 6.400 đồng, ART (Chứng khoán BOS) rớt xuống giá sàn 10.300 đồng.

FLC bị phạt gần 500 triệu đồng

Chiều ngày 24/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt Tập đoàn FLC 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, toàn bộ số tiền này đã được nộp đủ.

Cụ thể, công ty bị phạt 200 triệu do công bố thông tin sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty.

FLC cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính 2019, bán niên 2020 và các báo cáo từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, nghị quyết bổ nhiệm nhân sự, góp vốn. Báo cáo tài chính của FLC còn thuyết minh thiếu các khoản giao dịch, số dư với các công ty liên quan như Nông dược H.A.I, FLC Stone...

Ngoài ra, FLC bị phạt do chưa có thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định. Mức phạt cho vi phạm này là 125 triệu đồng.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.