1.000 gia đình ở phường Thanh Nhàn phải đối mặt với khó khăn, do nằm trong Dự án Công viên Tuổi trẻ “treo” gần nửa thế kỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lên phương án “giải cứu” người dân trong thời gian sớm nhất.

Khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn sắp được "giải cứu"?

Do nằm trong vùng quy hoạch mở rộng Công viên Tuổi trẻ được lập ra từ năm 1970, suốt 46 năm qua, người dân thuộc các tổ dân phố số 1, 2, 4 phường Thanh Nhàn (Quận Hai Bà Trưng) phải vật lộn với muôn vàn khó khăn khi nhà không được cấp sổ đỏ, dẫn đến không được cấp GPXD và thực hiện nhiều quyền và lợi ích hợp pháp khác.

Do không được xây dựng nhà mới nên rất nhiều gia đình có đến 3 - 4 thế hệ phải sống chen chúc trong những ngôi nhà câp 4 rộng chưa đầy 20m2.

Số phận của hơn 1.000 hộ dân tổ dân phố số 1, 2, 4 phường Thanh Nhàn chỉ bắt đầu được thành phố Hà Nội xem xét từ tháng 8/2015, khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh những bất cập đang đe doạ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Sau rất nhiều cuộc họp, nghiên cứu, lấy ý kiến từ các sở, ngành, ngày 8/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc điều chỉnh ranh giới thực hiện dự án và điều chỉnh quy hoạch Công viên Tuổi trẻ.

Căn cứ kết quả quả báo các của sở, ngành chức năng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung “chốt” xem xét 2 phương án “giải cứu” người dân vùng quy hoạch. Cụ thể, phương án 1, điều chỉnh ranh giới đưa toàn bộ khu dân cư 1,2, 4 ra khỏi vùng quy hoạch dự án để tồn tại chỉnh trang tại chỗ.

Phương án 2, điều chỉnh ranh giới dự án, di dời một phần hoặc toàn bộ 3 khu dân cư nêu trên ra khỏi dự án, kết hợp tái định cư tại chỗ cho cư dân theo 2 hướng: Xem xét dành 5.500m2 đất phía nam khu dân cư số 4 (tiếp giáp phố Kim Ngưu) xây dựng Toà nhà cao tầng phụ vụ tái định cư tại chỗ; Phương án hai, di dời toàn bộ 3 khu dân cư và dành 8.500m2 (tiếp giáp phố Kim Ngưu) xây dựng toà nhà cao tầng phục vụ tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân phải GPMB.

Chủ tịch UBND Hà Nội giao Sở QHKT chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng hoàn thiện cả 2 phương án, kèm dự thảo văn bản của Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành uỷ.

Là người nhiều năm gửi đơn đến UBND Hà Nội và các sở, ngành chức năng đề nghị xem xét lại dự án Công viên Tuổi trẻ để người dân ổn định cuộc sống, ông Đinh Xuân Tế, Tổ trưởng Khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn cho biết, việc Chủ tịch thành phố trực tiếp xem xét phương án “giải cứu” người dân là chuyển biến lớn, nhưng việc điều chỉnh dự án vẫn cần được thực hiện công khai, dân chủ.

“Năm 2015, khu dân cư có đơn gửi thành phố đề nghị trả lời về tính pháp lý của dự án và những vấn đề khác có liên quan, nhưng một năm qua người dân chưa được thành phố trả lời theo đúng trình tự. Điều chúng tôi chờ đợi là Thành phố có văn bản trả lời khu dân cư, kế tiếp, phải cho người dân tham gia ý kiến trong việc lựa chọn phương án “giải cứu”, bởi dân mới là người chịu ảnh hưởng trực tiếp…”, ông Tế đề xuất.

Trong khi chờ đợi UBND thành phố “chốt” phương án giải cứu, trước mắt, UBND quận Hai Bà Trưng và phường Thanh Nhàn sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời cho người dân như chia tách hộ khẩu, dịch vụ, điện, nước… Về nhà ở, UBND quận Hai Bà Trưng cho phép các hộ dân có nhà cấp 4 đã xuống cấp cải tạo nguyên trạng nhà 1 tầng + 1 tum giải quyết nhu cầu ở.

Ngọc Cương (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.