24/06/2013 7:41 AM
Đầu tư bến xe tạm trên đất của các dự án bất động sản (BĐS) bỏ không sẽ tránh lãng phí đất đai khi những dự án “treo” song thăm dò một số chủ đầu tư, hầu hết đều né câu trả lời.
Nhan nhản dự án “treo”

Chủ tịch TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Giao thông vận tải rà soát quỹ đất của các dự án BĐS chưa đầu tư, vận động, khuyến khích đầu tư bến xe tạm để giải quyết nhu cầu bến xe, nhưng yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, đủ điều kiện hoạt động của bến xe khách liên tỉnh, phải có giấy phép cũng như chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông, cháy nổ. Khu vực được nhấn mạnh bổ sung thêm bến xe mới là ở vùng ngoài vành đai 3 đến vành đai 4.

Theo khảo sát của PV, nhiều lô đất bỏ “hoang” hiện nay nếu được đầu tư làm bến xe tạm sẽ giảm tải rất tốt cho các bến xe ở Hà Nội.

Đơn cử, dự án siêu khách sạn Hoa Sen (Lotus) của Tập đoàn Kinh Bắc đã bỏ hoang nhiều năm nay, hiện đang được nhiều người dân sử dụng để trồng rau muống. Nằm trên khu đất “vàng” thuộc Mỹ Đình, với diện tích 46.000m2, nếu được đầu tư xây dựng bến xe tạm nó sẽ góp phần giảm tải cho bến xe Mỹ Đình hiện nay.


Dự án khách sạn Hoa Sen (Lotus) đã bỏ "hoang" nhiều năm nay, được người dân tận dụng trồng rau muống.

Là công trình được dự kiến hoàn thành vào năm 2010 để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng dự án tháp Thiên niên kỷ Hà Tây do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư lên tới 50 triệu USD tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông vẫn là một dự án "chết" suốt 6 năm nay kể từ ngày khởi công.

Suốt 8 năm nay, dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (đường Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức, TP. Hà Đông) vẫn “án binh bất động”. Dự án do Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) làm chủ đầu tư với diện tích quy hoạch 81ha, nếu sử dụng một góc của dự án cũng xây dựng được một bến xe tạm thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, khi thăm dò ý kiến của một số chủ đầu tư có dự án “treo” trước sự khuyến khích đầu tư xây dựng bến xe tạm của TP, hầu hết đều “né” câu trả lời đủ thấy vấn đề không dễ nói.

Phải có kế hoạch cụ thể

Trao đổi với PV Infonet, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) cho biết: ông sẵn sàng đầu tư nếu việc đó mang lại lợi ích cho xã hội và nhà đầu tư.

Nhưng ông Thanh băn khoăn, chính sách thay đổi thường xuyên nên rất khó cho doanh nghiệp. Do đó, cần phải đảm bảo xã hội hóa triệt để, có chính sách cụ thể và ổn định lâu dài cho nhà đầu tư. Ông nhấn mạnh: đã xây dựng thì phải là bến xe lâu dài, chứ doanh nghiệp không thể xây tạm được.

Ở góc độ khác, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, xây dựng bến xe tạm thì cũng phải có quy hoạch cụ thể, diện tích là bao nhiêu, khu vực nào...

“Chủ trương thì tốt bởi sẽ tránh lãng phí đất đai khi những dự án “treo” chưa biết đến khi nào sẽ thực hiện được, song cần xem xét kỹ. Bến xe mà làm quá xa trung tâm thành phố thì ai đến đỗ, chủ xe có đến hay không, ngay như bến xe Yên Nghĩa ở Hà Đông, một bến xe hiện đại, rộng rãi như thế mà còn vắng khách, ít người đến. Phải tính cho kỹ không lại giống như việc xây dựng một lô chợ nhưng chẳng có ai đến cả”, ông Liêm dẫn chứng.

Hiến kế thêm về việc sử dụng những dự án “treo”, ông Liêm cho hay: đối với những dự án BĐS chưa đầu tư ở khu vực ngoại thành nên đấu thầu cho ai có nhu cầu đầu tư làm trang trại để trồng rau sạch, trồng hoa vừa phục vụ nhu cầu cho xã hội lại vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân đã mất đất.

Còn đối với những dự án BĐS “treo” ở nội thành nên đầu tư làm công viên, trồng cây xanh.

“Nếu TP đang thực sự có nhu cầu bổ sung bến xe thì đầu tư xây dựng bến xe luôn chứ không nên làm bến xe tạm làm gì”, ông Liêm nêu quan điểm.

Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.