01/11/2012 9:21 AM
Sau thời gian ngắn áp dụng Thông tư 21, những tổ chức tín dụng yếu kém dần lộ diện khi không thể bước chân vào “chợ” liên ngân hàng. Đâu đó vẫn còn ấm ức nhưng đổi lại, tình trạng “ăn đong” vốn ở thị trường 2 để đẩy ra tín dụng dần được kiểm soát.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục hoàn thiện nhiều quy định khác để lập lại trật tự trên thị trường, trong đó có thị trường liên ngân hàng - Ảnh minh họa.

Theo bản tin Nghiên cứu thị trường của BIDV, trong tuần (22/10 - 26/10), cung cầu trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lãi suất giảm từ 50 đến 150 điểm phần trăm so với tuần trước tùy kỳ hạn.

Vào ngân hàng, ra trái phiếu

Kỳ hạn qua đêm ở mức 3% - 3,5%/năm; 1 tuần: 4% - 4,5%/năm; 2 tuần đến 1 tháng: 5% - 7%/năm. Mỗi ngày, doanh số giao dịch chỉ đạt 11 nghìn tỷ - 12 nghìn tỷ đồng, giảm khá mạnh so với mức bình quân 13.092 tỷ đồng/ngày của tuần trước.

Ở thị trường OMO và tín phiếu tuần trước Ngân hàng Nhà nước hút ròng rất mạnh nhưng tuần này, khối lượng bơm và hút gần như tương đương. Trên OMO, nhà điều hành hút vào 2.959 tỷ đồng qua đáo hạn giấy tờ có giá thì lập tức được bù đắp khi bơm vào hệ thống 2.904 tỷ đồng.

Hiện tượng các ngân hàng hạn chế bán vốn trên thị trường 2, quay sang mua các loại giấy tờ có giá của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là điều rất hiếm từ trước tới nay
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hành một lượng tín phiếu kỳ hạn 3 tháng trị giá 4.985 tỷ đồng thay thế cho khoảng trống 4.523 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tuần; đồng thời, bơm vào hệ thống 5.000 tỷ đồng từ kênh mua ngoại tệ.

Xem xét giao dịch ở kênh trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp, do từ nay đến hết năm, lượng cung trái phiếu Chính phủ về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu khi Kho bạc Nhà nước chỉ cần huy động thêm gần 15 nghìn tỷ đồng nên trong tuần này không có đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Quan sát thực tế trên cho thấy, hiện tượng các ngân hàng hạn chế bán vốn trên thị trường 2, quay sang mua các loại giấy tờ có giá của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là điều rất hiếm từ trước tới nay, đến mức gây không ít ngỡ ngàng đối với những ai quan tâm đến thị trường vốn.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như nhu cầu tiền đồng cho dự trữ bắt buộc ở thời điểm cuối tháng thấp dần nhưng một lý do khác chính là sự xiết chặt kỷ cương thị trường liên ngân hàng bởi Thông tư 21/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 18/6/2012, hiệu lực từ 1/9/2012.

Lãnh đạo một vụ của cơ quan thanh tra giám sát nói: “Trước đây, cứ có tiền gửi là có vay thoải mái nhưng nay hoạt động này bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện. Chẳng hạn, quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý rủi ro nhằm xác định mức độ tín nhiệm bên vay; hạn mức vay; bên vay không nợ nần ai quá 10 ngày; cả hai bên không trong quá trình bị Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp hạn chế, đình chỉ hoạt động đi vay, cho vay..., vì thế, đã hạn chế doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng”.

Bước đầu lập lại trật tự thị trường

Giải thích rõ hơn về lý do phải tinh lọc thị trường liên ngân hàng, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nói: “Một sự thật khi thanh tra 9 ngân hàng thương mại trong diện tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện rất nhiều “đại gia” cho 9 đơn vị này vay vô tội vạ nhưng không rút vốn ra được”.

Theo đó, những “đại gia” này cứ thấy ngân hàng yếu là cho vay vì yếu thì cần tiền và sẵn sàng trả lãi suất cao. Mặt khác, họ cũng hy vọng mọi rủi ro sẽ được Ngân hàng Nhà nước gánh chịu vì cơ quan này không dám để tổ chức tín dụng đổ vỡ.

Thế nên, trong số 9 ngân hàng thương mại nói trên, có những ngân hàng bé xíu, huy động trên thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế) chỉ vài nghìn tỷ đồng nhưng tín dụng vượt quá mười mấy nghìn tỷ đồng, gần như tất cả đều dựa vào vốn vay trên thị trường liên ngân hàng.

Trong khi đó, chức năng thị trường liên ngân hàng là điều vốn ngắn hạn để giải quyết thanh khoản. Có nghĩa, nếu mất cân đối vốn một chút thì vay nhanh trên liên ngân hàng để bù đắp cho qua khỏi khó khăn chốc lát nhưng thực tế, họ đã dùng nguồn này để đầu tư. Những thói quen, tập quán đó kéo dài rất nhiều năm, rõ nhất là giai đoạn từ 2008 đến trước thời điểm 1/9/2012, khi lạm phát bùng nổ, Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt tiền tệ.

Còn nói về việc các “đại gia” lấy tiền ở đâu để cho vay như vậy thì thực sự là câu chuyện quá dài nhưng không thể không nhắc tới một nguồn trong dòng vốn đó chính là bán trước số vàng huy động của dân lấy VND để kinh doanh. Một thực tế là không một hạng mục kinh doanh nào có thể bù đắp thiệt hại khi mua vàng cao hơn 5 - 7 triệu đồng/lượng so với lúc bán, nhất là số vàng bán ra quá lớn. Nhưng cũng nhờ vậy mà những ngân hàng yếu kém chuyên “ăn đong” trên thị trường 2 đã dần lộ diện.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục hoàn thiện nhiều quy định khác để lập lại trật tự trên thị trường, trong đó có thị trường liên ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

“Không thể để kinh doanh liên ngân hàng cũng giống một gia đình đứt bữa nhưng tối đến vẫn thấy nhóm lửa thổi cơm bằng gạo đi vay nhưng chẳng mấy ai biết nồi cơm đó là của đi vay chứ không phải tự mình làm ra. Chúng tôi kiên quyết chống lại tình trạng nợ đồng lần trên thị trường liên ngân hàng lâu nay”, vị quan chức nói trên nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 21 đã giảm rủi ro rất lớn cho cả bên bán lẫn bên mua vốn. Khi tổ chức tín dụng cho vay một ngân hàng phải đánh giá chất lượng đối tác và khẳng định họ có khả năng trả thì mới cho vay. Từ đó, không cho những “đại gia” tiếp tay cho những đơn vị yếu kém, dẫn tới rủi ro cho cả hệ thống.

Ngoài ra, Thông tư 21 mới chỉ giải quyết một bước trong quá trình thiết lập lại trật tự kinh doanh liên ngân hàng ở chỗ cảnh báo các ngân hàng khi cho vay phải đánh giá khả năng trả nợ của bên vay; nếu mất vốn phải tự chịu trách nhiệm thay vì đổ vấy cho Ngân hàng Nhà nước như trước đó.

Vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục hoàn thiện nhiều quy định khác để lập lại trật tự trên thị trường, trong đó có thị trường liên ngân hàng.

Theo Nguyễn Hoài (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.