22/07/2015 2:05 PM
Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đồng thời có những quyết sách mạnh tay trong khâu phát mãi tài sản để hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Tái tăng vì quy định mới

Theo số liệu quý I/2015 của một vài NHTM, tỷ lệ nợ xấu có phần xoay chiều, tăng trở lại so với cuối năm 2014.

Cụ thể, tại VietinBank số nợ xấu tuyệt đối lại tăng mạnh lên hơn 8.000 tỷ đồng so với mức đầu năm 4.800 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% cuối 2014 lên 1,5% cuối quý I.

Nợ nhóm 5 của Vietinbank đến cuối tháng 3 cũng tăng gấp 2,6 lần từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng. Trong khi, tín dụng chỉ tăng 1,5% so với mục tiêu cả năm 13%.

Tính đến cuối tháng 4/2015, dư nợ cho vay của Sacombank tăng 5,6%, nợ xấu cũng tăng lên 1,19% so với mức 1,18% cuối năm 2014.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank cũng thu được 200 tỷ đồng vốn gốc thu nợ từ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và lên kế hoạch bán tiếp nợ xấu cho VAMC năm nay.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,42%, nhưng kết thúc quý I/2015, Nam A Bank có gần 235 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 chiếm hơn 80% tổng nợ xấu... Với diễn biến hiện tại, nhiều người lo ngại mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% trước ngày 31/8 là rất khó khăn.

Bởi trong quý II/2015, tình hình kinh doanh không có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, lãnh đạo của các NH cho biết nợ xấu tại các NH "không quá xấu".

Đơn cử, lãnh đạo NH Sacombank cho biết, việc nợ xấu phát sinh trong quý I một phần do Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại nợ đã hết hiệu lực hồi tháng 4/2015.

Mặt khác do một số DN tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động khiến khoản nợ bị treo lại trước khi xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời, việc phải áp dụng các quy định mới của Thông tư 09 cũng khiến nợ xấu tăng. Còn đối với những khoản vay mới, nợ xấu được kiểm soát rất chặt chẽ.

Đại diện của ACB lạc quan cho rằng, sự phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, được kỳ vọng tạo điều kiện tốt cho việc xử lý nợ xấu.

Đồng thời, lãnh đạo Nam A Bank nói rằng, NH này nhận được sự phối hợp của các ngành, các cấp trong xử lý tài sản đảm bảo nợ vay nên việc xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn trước.

Chủ động xử lý được nợ

Thực tế, ngoài những giải pháp nêu trên, các NHTM đang nỗ lực tìm ra nhiều hơn phương án kéo giảm nợ xấu xuống, đặc biệt là rà soát lại các món nợ DN vay chồng chéo tại nhiều NH khác nhau.

Theo lãnh đạo của Sacombank, có những khoản nợ xấu phát sinh từ việc xử lý tài sản đảm bảo. Nhiều DN rơi vào trường hợp giải thể, phá sản... thì tài sản thế chấp bị tranh chấp tại các NH.

"Đây là nguyên nhân khách quan nhưng phần nào khiến nợ xấu tiếp tục gia tăng. Để xử lý được nợ xấu đòi hỏi các NH phải gỡ vướng trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo", vị này chia sẻ.

Đánh giá về sự nỗ lực kéo giảm nợ xấu của các NH trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thừa nhận, một số NH rà soát lại nợ để thu hồi, phát mãi tài sản... được xem là một giải pháp rất hữu ích. Bởi vì, một DN có thể vay nhiều gói tín dụng khác nhau tại các NH khác nhau.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, muốn giải quyết triệt để, các NHTM cần đẩy nhanh hơn nữa những giải pháp như chuyển nợ thành vốn góp, trích lập dự phòng, nhận tài sản đảm bảo thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, bán nợ cho VAMC...

Cho dù vậy, nhìn về tổng thể, việc giải quyết nợ xấu của các TCTD đang có những kết quả khả quan. Cụ thể, nếu chỉ tính riêng ở địa bàn TP.HCM, phần lớn các NHTM đều có những giải pháp tốt trong việc xử lý nợ.

Về số liệu, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TP.HCM đã xử lý được 6.112 tỷ đồng nợ xấu. Còn tính đến cuối tháng 5/2015, các NH đã bán thêm cho VAMC hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu nhóm 5, nhóm nợ có khả năng mất vốn cao, chiếm tỷ trọng cao nhất.

"Tăng trưởng tín dụng tốt nên các NH có thể xử lý nợ dưới 3%. Như vậy, theo kế hoạch trong năm 2015, nợ xấu xử lý và đưa về dưới mức 3% tổng tài sản có được phân loại. Khả năng đưa nợ xấu về dưới 3% trước 31/8 là khả thi", ông Minh nói.

NHNN chi nhánh đang hỗ trợ bằng cách phân ra các NH sẽ bán nợ cho VAMC khoảng 22.200 tỷ đồng và phải bán tối thiểu đến 75% (đến ngày 31/8 phải hoàn tất chỉ tiêu này).

Đối với các khoản nợ NH phải tự xử lý là 3.100 tỷ đồng phải hoàn thành trước ngày 31/7; nếu đến cuối tháng 7 không tự xử lý được thì phải bán hết cho VAMC trong tháng 8 và 9. Cũng theo ông Minh, NHNN đã ký văn bản phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành của Trung ương để xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu.

Theo đó, nếu như trước đây cần 3 cấp xử lý, nay việc xử lý tài sản đảm bảo có thể xử lý tại địa phương, UBND cũng có thể tác động đến cơ quan thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn. Ngoài ra, định kỳ các cơ quan sẽ sơ kết trách nhiệm của từng ngành một để xem tiến trình xử lý nợ xấu đến đâu...

Linh Chi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.