Xuất hiện tại Sự kiện & Bình luận sáng nay (5/4), ông Nguyễn Văn Pha đã có những trao đổi rất thẳng thắn về sự cố vỡ đường ống nước dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội. Đây là sự kiện được chú ý nhất trong tuần qua, vì việc vỡ đường ống nước đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người dân nằm trong khu vực phía Tây của thành phố. Mỗi lần đường ống nước bị vỡ là một lần người dân thủ đô lại rơi vào cảnh khốn đốn do thiếu nước sạch và điều đáng nói là trong 2 năm qua, đường ống dẫn nước này - dự án từng được Bộ xây dựng trao tặng cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam vào tháng 11/2010 - đã bị vỡ đến 5 lần và cả 5 lần vỡ đường ống nước, nguyên nhân ban đầu được đưa ra đều là "do nền đất yếu".
Đây là lý do được cho là không dễ chấp nhận vì việc khảo sát nền đất là công việc bắt buộc phải thực hiện khi triển khai dự án. Vậy, có phải đơn vị thi công đã bỏ qua công đoạn này và trách nhiệm này do ai? Hiện tại, chưa một đơn vị nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Cũng vì thế, hiện nay, mỗi khi đường ống nước bị vỡ, đơn vị thi công lại phải chạy theo để chữa cháy. Việc chữa cháy đương nhiên chỉ là... chữa cháy. Theo các chuyên gia xây dựng, việc chạy theo chữa cháy chỉ là việc làm thụ động và sự cố này có thể còn tiếp tục nhiều lần nữa.
Nói về sự cố vỡ đường ống nước sông Đà và những phản ứng bức xúc của dư luận trong tuần qua, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu và "chính đáng".
"Đây là một công trình có ý nghĩa về mặt xã hội và dân sinh rất lớn" - ông Nguyễn Văn Pha nói - "Tôi cũng nghe nhiều lần về việc vỡ đường ống nước này nhưng vì khu vực nhà tôi ở và cơ quan không nằm trong khu vực vỡ đường ống nước nên tôi không nghĩ trong 2 năm mà vỡ đến 5 lần đường ống nước như thế. Điều này quả thật không thể chấp nhận được, vì thế, những bức xúc của công luận là hoàn toàn chính đáng".
Trước câu hỏi ông nghĩ gì về cách người ta thi công công trình và lý do được đưa ra lý giải về sự cố, ông Nguyễn Văn Pha từ chối đưa ra bình luận: "Cái này các nhà chuyên môn sẽ kiểm tra và sẽ có kết luận, còn góc độ như tôi - một người dân bình thường - sẽ không thể có đánh giá chính xác được. Nhưng rõ ràng, ngoài những nguyên nhân khách quan ở trên, chúng ta phải tìm những nguyên nhân chủ quan nữa - từ khâu quy hoạch, thiết kế đến khảo sát thi công... Tất cả những khâu này đều đòi hỏi phải có sự kiểm tra rõ ràng".
Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà khiến người ta nhớ lại công trình đường cao tốc cầu rẽ Ninh Bình - công trình có vốn đầu tư gần 9000 tỷ đồng, sau 2 năm đưa vào sử dụng đã phải vá víu, nham nhở, nhiều đoạn bị lún, nứt phải xử lý... Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có kết luận nguyên nhân là do sai sót từ khảo sát đến thi công - đề cương khảo sát không có nội dung thuỷ văn, thay vào đó sử dụng các số liệu điều tra thuỷ văn, tính toán của những công trình tương tự với khu vực dự án đi qua...
Sau hàng loạt những sự cố xảy ra, tiêu biểu là 2 ví dụ điển hình của công trình đường ống nước sông Đà, đường cao tốc cầu rẽ Ninh Bình thì có lẽ người ta không còn khó khăn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nguyên nhân vì sao cầu đường ở Việt Nam nhanh xuống cấp, khi mà những công trình này đã mắc những lỗi sơ đẳng ngay từ đầu.
Những câu chuyện kể trên, đáng tiếc lại không phải vấn đề hiếm gặp ở Việt Nam - tình trạng thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, cắt giảm công đoạn trong khảo sát, thi công và tình trạng rút ruột công trình - đang là vấn đề nhức nhối mà chúng ta phải đối mặt. Đây là những vấn đề nguy hiểm mà nếu không được giải quyết từ gốc rễ sẽ để lại hậu quả tai hại cho xã hội, cho đất nước, làm cho lòng tin của người dân vào hệ thống luật pháp và đội ngũ thực thi pháp luật bị suy giảm.
Một chuyên gia thẳng thắn gọi đây là "quốc nạn lãng phí trong quy hoạch" và nó thật ra không kém gì tham nhũng. Một thời gian quá dài chúng ta đã quen với lối tư duy ngắn hạn, thiếu đồng bộ và hậu quả là sai đâu sửa đó, hỏng đâu vá đấy... Vấn đề này chắc chắn sẽ vẫn còn tồn tại và tiếp tục nếu không có những thay đổi về tư duy - từ việc triển khai đến tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc xây dựng đề án quản lý quy hoạch.