Do tình trạng quy hoạch dàn trải, thiếu chiến lược nên hàng nghìn mét vuông đất phục vụ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang bị "treo”, thậm chí là bỏ hoang. Trong khi đó, người dân lại không có đất để làm nông nghiệp, nhiều nơi phải đành thuê lại chính mảnh đất của mình đã bị thu hồi để tiếp tục mưu sinh…
KCN Hưng Phú 2 B quy hoạch trên đất ruộng, vườn của dân nhưng nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ
Chỉ có 1 khu công nghiệp được lấp đầy
TP. Cần Thơ có tổng cộng 8 khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (KCN-TTCN) nằm rải rác ở các quận: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng. Tổng diện tích đất quy hoạch các KCN-TTCN này trên 2.351ha.
Theo ghi nhận thực tế, phần lớn diện tích đất của KCN Hưng Phú 1, BMC- Hưng Phú 2A và toàn bộ KCN Hưng Phú 2B bị "treo” nhiều năm, khiến cho người dân ở khu vực Thuận Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng bức xúc vì không đầu tư được gì. Cụ thể, KCN BMC- Hưng Phú 2A, chủ đầu tư xây dựng- kinh doanh hạ tầng là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC, Chi nhánh Cần Thơ, trong tổng diện tích 134ha đất của KCN, đến nay chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng theo dạng da beo, hiện hơn một nửa diện tích còn lại đang nằm trong tình trạng quy hoạch treo. Bà Nguyễn Thị Sáu ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng tâm sự: "Cách đây gần 8 năm sau khi nhà nước thông báo lấy 3 công đất của gia đình làm KCN, chúng tôi cứ ngóng hoài mà chẳng thấy bồi thường nên không dám đầu tư nuôi trồng gì ở khu vực này, đất thì ngày càng hoang hóa. Đã nhiều lần chúng tôi hỏi chính quyền, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là chờ, không biết chờ đến bao giờ ?…”. Không riêng gì bà Sáu mà hàng trăm, hàng ngàn hộ dân trong khu quy hoạch KCN BMC- Hưng Phú 2A, Hưng Phú 1 thuộc địa bàn quận Cái Răng cảm thấy mệt mỏi vì chờ đợi, có đất mà không xây dựng, trồng trọt được gì.
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết, trong số 8 KCN nêu trên đến nay chỉ có KCN Trà Nóc 1 và 2 với tổng diện tích 292ha đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và được lấp đầy gần 100%; KCN-TTCN Thốt Nốt giai đoạn 1 diện tích trên 150ha hiện mới chỉ lấp đầy được khoảng 40%, các khu KCN tại quận Cái Răng như: Hưng Phú 2A, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2B với tổng diện tích đất quy hoạch là 463,34ha, nhưng mới chỉ cho thuê được trên dưới 50ha.
KCN Sông Hậu (Hậu Giang) vẫn đang còn trống trải
Thuê lại chính mảnh đất của mình vì dự án "treo”
Trong cuộc họp giải quyết những khó khăn, vướng mắc các KCN Cụm CN trên địa bàn TP. Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Thành phố đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải lấp đầy các KCN đã được quy hoạch…
Đi dọc tuyến đường Nam sông Hậu thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành (Hậu Giang), bắt gặp những thửa ruộng, liếp vườn cây cối xanh tốt nằm trong lòng KCN Sông Hậu. Năm 2007, hơn 10.000m2 đất của gia đình anh Trương Ngọc Hiền ngụ tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành bị thu hồi nhiều năm nhưng chưa thấy triển khai, sau một thời gian lên Cần Thơ làm thêm, mỗi lần đi qua thấy mảnh đất bỏ hoang mà thấy xót cả ruột. Vì vậy cuối năm 2009, anh Hiền đánh "liều” trở lại phần đất này cải tạo, trồng hoa màu, dưa leo, đậu, bắp...Anh Hiền tâm sự: "Lúc đầu cũng thấy ngại nhưng đất để không uổng lắm, tôi đã phát quang được 3 công (3.000m2) đất, lên liếp trồng đậu, dưa leo…có năm chuyển qua trồng bắp, rau cải. Cũng phải công nhận từ khi canh tác trồng trọt thêm ở đây thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn thời gian đi làm phụ hồ…”. Qua tìm hiểu được biết, khoảng thời gian năm 2006 - 2007, phần đất của gia đình anh Hiền cũng như hàng trăm hộ dân khác ở xã Đông Phú được tỉnh Hậu Giang thu hồi để xây dựng KCN Sông Hậu, UBND tỉnh Hậu Giang đã giao đất này cho Công ty Vinasin xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho dự án đóng tàu biển. Tuy nhiên, do Công ty này gặp khủng hoảng nên dự án đóng tàu tại KCN Sông Hậu bị đình trệ dẫn đến hàng ngàn mét vuông đất đã giao cho công ty này cũng bị bỏ hoang từ đó. Bà Lê Thị Hào, xã Đông Phú, huyện Châu Thành cho biết: vẫn biết việc quay trở lại canh tác như vầy là không đúng, các cấp chính quyền ở đây cũng biết, nhưng họ không nói gì, đơn giản vì chúng tôi không muốn để đất lãng phí…”.
Mới đây, nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, chúng tôi đã ghé thăm KCN An Nghiệp ở TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) ngoài vài công ty, xí nghiệp hay một vài công trình đang đầu tư xây dựng, điều đập vào mắt chúng tôi đó là những thửa ruộng trồng thanh long nối dài, nằm dọc theo một số tuyến đường chính của KCN An Nghiệp. Hỏi thăm một số người dân sinh sống ở đây mới biết, khoảng đầu năm 2014, một số người dân ở khu vực này đã cùng với một vài cán bộ của Ban quản lý KCN An Nghiệp mướn lại phần đất này để cải tạo trồng thanh long. Có khoảng 20.000 gốc thanh long, được 3 đến 4 năm tuổi với diện tích hàng chục ngàn mét vuông nằm rải rác trong KCN An Nghiệp. Hiện nay, Sóc Trăng có 6 KCN nằm rải rác các huyện, thị, thành, việc sử dụng đất hiệu quả ở các KCN đang là bài toán khó đối với địa phương này. Tuy nhiên theo phương án quy hoạch phát triển, đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng sẽ có 19 cụm CN với tổng diện tích trên 769ha.
Theo các chuyên gia tính toán, trung bình một ha đất đưa vào quy hoạch sẽ có đến ba hộ dân với hàng chục nhân khẩu buộc phải di dời, phục vụ cho các dự án. Tính đến nay, ĐBSCL có đến 74 KCN và 214 cụm CN được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ... Trong số đó có đến hơn 92% diện tích quy hoạch vẫn chưa đưa vào sử dụng, theo kết quả khảo sát mới nhất của VCCI Cần Thơ (Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại Cần Thơ), phần lớn các KCN, cụm CN chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại đang bị bỏ hoang.
Trong khi hiệu quả và công năng của các KCN – cụm CN vẫn còn nằm trên giấy thì hàng ngàn hộ dân đã phải di dời đi nơi khác, hay sống khổ sở trên chính mảnh đất của mình. Việc này được người dân và các cấp chính quyền ở khu vực ĐBSCL ca thán nhiều năm, nhưng đến nay vấn đề quy hoạch, quản lý và sử dụng dường như không gắn liền với nhau.
Quốc Trung (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.