Nhiều khu đất nằm ở vị trí trung tâm nhưng bị bỏ hoang hoặc đem cho tư nhân thuê với giá bèo bọt. Ai phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí đất công? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Đất bỏ hoang, lãng phí do đâu?
Mới đây, kết quả giám sát của HĐND cũng như báo cáo của Thanh tra TP HCM sau khi làm việc với một số quận, huyện về tình hình sử dụng đất công đã cho thấy, nhiều khu đất đang bị bỏ trống gây lãng phí, thất thoát nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Nhiều khu đất bị bỏ hoang lãng phí.
Qua giám sát, HĐND TP HCM phát hiện tại quận 6 có đến 370 khu nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng không được quản lý chặt chẽ và sử dụng không đúng mục đích.
Tại địa chỉ số 353 An Dương Vương, phường 10, khu đất có diện tích hơn 4.200m2 được công ty tư nhân thuê làm nhà xưởng với giá bèo bọt gây thất thu cho ngân sách.
Cũng trong quận 6, hàng loạt nhà, đất như số 361 Đặng Nguyên Cẩn, 12 Cao Văn Lầu, 215 Hậu Giang, 751 Lò Gốm…đã được thành phố cho phép bán đấu giá từ năm ngoái để thu hồi vốn cho ngân sách nhưng đến nay vẫn để không. Tương tự, quận Bình Tân cũng tồn tại nhiều khu nhà, đất công bị bỏ hoang.
Có thể kể đến những khu đất không đưa vào sử dụng gây lãng phí như khu đất ở địa chỉ số 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân rộng hơn 24.000m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần chế tạo máy Sinco (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn), hay khu đất rộng khoảng 9.000m2 tại số 620 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân do Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar quản lý.
Có mặt tại hai khu đất này, phóng viên VOV ghi nhận được hình ảnh hoang vu, cỏ dại mọc um tùm. Khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần chế tạo máy Sinco được quây hàng rào tôn cao khoảng 3m, cửa đóng im lìm, thỉnh thoảng có một chiếc xe tải dán chữ “xe chở thuê” ra vào.
Còn tại khu đất bỏ hoang của Công ty cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar thì cổng ra vào mở toang, bên trong là nhà xưởng, kho bãi xuống cấp, mục nát.
Theo người dân nơi đây, mặc dù có nhiều đoàn công tác đến khảo sát cũng như người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp với chính quyền nhưng tình trạng trên không được xử lý triệt để, gây bức xúc dư luận.
Bà Trương Thị Thu Hằng, ngụ quận Bình Tân thắc mắc: “Không biết vì lý do gì mà tới nay dự án không được triển khai. Trong khi đất bị bỏ hoang lãng phí, thì dân không có đất sinh sống”.
Chỉ rõ người chịu trách nhiệm
Theo báo cáo của Thanh tra TP HCM, qua thanh tra 10 đơn vị đang quản lý, sử dụng đất công, trong 103 khu đất vi phạm quy định về sử dụng đất thì có đến 26 khu đất để trống, không quản lý.
Tổng Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) được giao quản lý 6.300ha nhà, đất thì có đến 17ha đất bị bỏ hoang, một số trường hợp giao khoán cho các hộ dân sử dụng không đúng mục đích như tại khu đất số 162 Nguyễn Thị Định, phường An Phú, quận 2 do Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (thuộc Sagri) quản lý, được báo cáo là đang để trống, chưa khai thác nhưng thực tế lại có người đứng ra cho thuê lại nhà xưởng.
Công ty thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được giao quản lý, sử dụng 233 nhà, đất thì có 29 trường hợp có vấn đề.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng lãng phí đất công diễn ra tràn lan, đụng tới đâu là phát hiện tới đó.
Thứ nhất, đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản, giá đất thuê rẻ hơn so với giá thị trường là động cơ để các doanh nghiệp Nhà nước cho thuê lại đất nhằm hưởng mức chênh lệch giá.
Thứ hai, về mặt quản lý, nhiều đơn vị khác nhau được giao quản lý đất dẫn đến chồng chéo, thiếu chặt chẽ. Thứ ba, các văn bản pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ khiến hạn chế việc xử lý sai phạm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất: “Đối với những khu đất công sử dụng sai mục đích, gây lãng phí thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó để khai thác, sử dụng hiệu quả”.
Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM cho biết, qua thống kê sơ bộ, thành phố có trên 12.000 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nhưng thực tế con số này chưa dừng lại.
Một số địa phương thống kê chưa đầy đủ, điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm, vị trí đất bị thu hẹp dần, khi thực hiện thu hồi sẽ dẫn đến tranh chấp kéo dài. Trong quá trình thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp nhà, đất công, nhiều khu đất đã được bán chỉ định, không thông qua đấu giá gây thất thoát ngân sách lớn.
Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng lãng phí đất công, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước bởi thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý.
Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm, siết chặt quản lý cán bộ, không để lòng tin của người dân ngày một xói mòn qua mỗi vụ việc bê bối được phơi bày./.