Lạm phát cuối 2010 đã lên cao hơn dự báo. Chính phủ đã có phản ứng kịp thời bằng cách điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô trước diễn biến mới. Song, những diễn biến của lạm phát và điều chỉnh lần này đã cho thấy sự bất ổn trong dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Mọi dự báo đều sai

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 tăng tới 1,05%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 9,66%. Nếu tính trung bình, 10 tháng năm 2010 CPI tăng 8,75%. So với tháng cuối cùng của năm 2009, CPI 10 tháng đã tăng tới 7,58%.

Với con số này, Việt Nam chính thức không đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay như Nghị quyết của Quốc hội. Thậm chí, nếu so với con số mà Chính phủ đặt ra từ hồi tháng 4/2010 (kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8%), khả năng đạt được cũng rất nhỏ.

Thậm chí, với tốc độ tăng này, việc kiềm giữ lạm phát ở mức 8% cũng rất khó khăn. Bởi vì, để giữ được mức này, trong hai tháng còn lại của năm, CPI không được tăng quá 0,42%, nghĩa là mỗi tháng chỉ được phép tăng khoảng 0,2%.

Đây là một điều dường như không thể, vì vào cuối năm, chu kỳ tăng giá thường lên cao trên 1%. Mặt khác, Việt Nam đang đối mặt nhiều khả năng, giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nhu cầu cuối năm tăng cao và thiên tai nghiêm trọng ở miền Trung.


Mọi dự báo sai khiến điều hành thêm rối.

Lạm phát tăng cao trong tháng tháng 9, rồi đến tháng 10 dường như năm ngoài dự báo của nhiều cơ quan chức năng.

Hồi cuối tháng 8/2010, khi các dấu hiệu lạm phát quay trở lại, các cơ quan quản lý đều khẳng định, không đáng lo ngại. Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát và tin rằng, lạm phát sẽ ở dưới 8%.

Khi đó, Bộ Tài chính dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của cả nước dự báo tăng khoảng 0,8-1,0% so với tháng 8/2010. Tuy nhiên, mức tăng sau đó lên đến 1,31%, đưa lạm phát lên mức 6,46%.

Thậm chí, Bộ Tài chính còn cho rằng CPI tháng 10 tăng khoảng 0,4-0,5% so với tháng 9. Như thế, CPI cả năm vẫn ở mức 8% và mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 và tháng 10 đã vượt xa dự báo của các cơ quan này. Với tốc độ tăng giá trên, có thể lạm phát sẽ qua 9% và lên đến 10% - điều mà nhiều người lường tới.

Lo cho năm 2011

Từ đầu tháng 10, trước tình hình lạm phát tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường trong những tháng cuối năm.

Hàng loạt nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương, như kiểm soát giá cả, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng; quản lý chặt chẽ giá một số mặt hàng đầu vào của sản xuất như: xăng, dầu, điện, than... bảo đảm cân đối cung, cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến hết năm 2010, quý I/2011 và nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một động thái cần thiết. Hiện nay, chỉ số tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,7%, vượt chỉ tiêu đề ra. Các chỉ số khác như thâm hụt ngân sách, xuất khẩu, đầu tư đều khá đẹp cho năm 2010.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đi quá xa mục tiêu. Và đây có thể coi là một thất bại của kinh tế vĩ mô 2010. Vì thế, trước các dấu hiệu bất ổn về lạm phát, nhập siêu... việc tập trung chống tăng giá để đảm bảo chất lượng tăng trưởng có ý nghĩa, không gây khó khăn về lâu dài.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nói có thành công trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hay không. Và chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định mới có thể nói đến chuyện cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Mục tiêu 7-7,5% cho năm 2011 đã được đề ra, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi lạm phát được kiềm chế.

Vì thế, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay: Năm 2011, ổn định kinh tế vĩ mô được xác định là cơ sở, là điều kiện để bảo đảm phát triển bền vững với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010.


Lạm phát chưa được dự báo và điều hành chủ động

Đây cũng là một nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ với các trọng tâm là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát và phấn đấu giảm bội chi. Trong khi đó, điều mà nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới là tăng trưởng ổn định và vững bền.

Bởi thế, kiểm soát giá cả thị trường trong những tháng cuối năm không hẳn là mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2011 mà chính là chuẩn bị cho năm 2011 và những năm tiếp theo để mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thực chất hơn.

Chưa thoát khỏi bị động chính sách

Nhìn lại 4 năm gần đây, chưa bao giờ Việt Nam dự báo đúng và thực hiện đúng chỉ số lạm phát từ đầu năm. Thậm chí, có những năm tăng gần gấp đôi so với dự báo và khiến Chính phủ phải điều chỉnh. Thậm chí, đã có tiền lệ phải Chính phủ phải xin Quốc hội điều chỉnh các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Điều đáng nói là, một chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng GDP hay lạm phát đã được đề ra thì buộc toàn bộ hệ thống chính sách phải tuân theo, kéo theo là các hoạt động kinh doanh, giá cả, đầu tư, tiền tệ đều phải theo một hướng để phục vụ mục tiêu đó.

Tất nhiên, khi thay đổi sẽ khiến tất cả phải đảo chiều. Điều đó sẽ gây ra những khó khăn, hệ lụy vì sự không nhất quán. Dự đoán không chính xác, kéo theo sự điều chỉnh sự vụ và bị động chính là một sự bất ổn của chính sách, mà điều đó nhìn rõ nhất trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Dễ nhận thấy là trong khi đang kêu gọi giảm lãi suất để thúc đẩy kinh doanh, thì với diễn biến lạm phát mới đây, đã có nhiều quan điểm đưa ra là chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục thắt chặt.

Thậm chí, mới đây nhất, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế rút tiền tiền nhanh ra khỏi lưu thông. Chúng ta đã có tiền lệ 2008, khi rút mạnh tiền khỏi lưu thông khiến hệ thống ngân hàng rung động, thị trường tiền tệ lên cơn sốt và nền kinh tế gánh chịu nhiều hệ quả.

Lần này, dù có thế nào cũng cần tính lại việc đột ngột rút tiền khỏi lưu thông. Ngoài ra, hạn chế tín dụng cuối năm cũng sẽ gây khó khăn cho DN và nền kinh tế.

Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Ngiên cứu quản lý kinh tế TƯ, "điều đáng ngại ở chỗ, với mức lạm phát từ 7%/năm trở lên, các chính sách của chúng ta rất khó hài hoà, nhất quán". Tuy nhiên, đó dường như lại là một điểm cố hữu của chính sách điều hành kinh tế.

Cafeland.vn - Theo VNR500
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland