19/02/2012 2:03 AM
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2012 được dự báo ở mức 1,5% và các tháng sau đó có thể giảm dần. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là cơ sở ban đầu để hạ nhiệt lãi suất.

Lạm phát có thể giảm, lãi suất còn phải chờ...CPI có xu hướng giảm chắc

Mặc dù khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gần đây cho biết mức độ hạ nhiệt của lạm phát chỉ là điều kiện cần cho khả năng hạ lãi suất, nhưng chí ít những tín hiệu từ lạm phát sẽ củng cố cho tính khả thi của kế hoạch. Trở lại với mức lạm phát đỉnh vào tháng 8-2011 - ở mức 23,2%, xu hướng giảm dần của CPI tính theo cùng kỳ đã khá rõ. Đến tháng 1-2012, mức tăng CPI theo năm đã chỉ còn ở mức 12,17%. Mức tăng CPI tính theo tháng trong tháng 2 này được nhiều dự báo đưa ra mức tương đối trùng khớp trong khoảng 1,5% -1,6%. Cũng cần lưu ý là tháng 2 năm nay trùng với thời điểm tiêu dùng mùa vụ rất cao, đồng thời sản xuất chậm lại do vướng kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Do đó khó kỳ vọng CPI sẽ thấp.

Tuy nhiên một số ước tính với tình trạng cung tiền chặt chẽ như hiện tại, CPI các tháng kế tiếp có thể giảm trung bình 0,5% các tháng sau đó. "Với tính toán mức tăng CPI tháng 2 là 1,5% và dự báo giảm bình quân 0,5% các tháng kế tiếp, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ xuống dưới mức 12% trong tháng 4 và dưới 10% khi kết thúc quý 2-2012. Với xu hướng lạm phát như vậy, lãi suất sẽ có cơ sở tương đối vững chắc để hạ nhiệt”, Công ty chứng khoán BSC vừa đưa ra nhận định hôm 15-2. Một diễn biến đáng chú ý trong nửa đầu tháng 2 là hành động hút tiền trở lại của Ngân hàng Nhà nước sau khi đã bơm khá nhiều nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trước Tết. Lượng tiền bơm ra trước Tết được ước tính khoảng 57.000 tỷ đồng qua thị trường mở. Việc hút tiền về trở lại nằm trong kế hoạch bơm vốn trọng điểm, hỗ trợ thanh khoản nhưng đảm bảo linh hoạt để hạn chế cung tiền. Theo số liệu của Reuters, trong 4 ngày đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra hơn 6.200 tỷ đồng, trong khi hút về hơn 22.300 tỷ đồng. Việc hút ròng này đã tiến hành ngay từ sau Tết.

Thời điểm nào giảm lãi suất?

Trước việc lãi suất vay vẫn cao ngất ngưởng, Chính phủ liên tiếp có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp giảm lãi suất, cho thấy sức ép là rất lớn. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng chịu sức ép về kiềm chế lạm phát và trong phạm vi trách nhiệm của mình, việc nới lỏng dần tiền tệ, mức độ nào, vào thời điểm nào cần những nghiên cứu vững chắc. Những ý kiến đề nghị giảm ngay lãi suất căn cứ vào xu hướng lạm phát giảm, thanh khoản cải thiện, thậm chí "bức” những ngân hàng lớn, thanh khoản tốt phải đi đầu trong vấn đề giảm lãi suất. Ngược lại, những ý kiến "bảo thủ” lại tiếp cận dè dặt hơn, không nên ép lãi suất giảm ngay vì có thể làm hỏng thành quả của việc kiềm chế lạm phát lâu nay. Một ví dụ sống động là thất bại năm 2009-2010 khi chính sách tiền tệ chịu sức ép quá mạnh của việc giảm lạm phát đã vội vã tung ra những gói kích cầu, điều hành tiền tệ quay ngoắt 180 độ và đã để lại hệ lụy cho cả năm 2010 lẫn 2011. Khi đó, đa số doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu cả trong và ngoài nước đều đánh giá lạc quan về các gói hỗ trợ kinh tế, nhưng sau đó đều nói ngược lại khi chứng kiến mức tăng tốc của lạm phát 2011. Do đó cách tiếp cận thận trọng được lưu tâm hơn trong năm nay. Nhiều tổ chức quốc tế như HSBC cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan ngại hơn nếu Việt Nam giảm ngay lãi suất trong tháng 2.

Việc hạ lãi suất khi có tín hiệu giảm lạm pháp và thanh khoản tạm ổn hay chỉ giảm lãi suất khi lạm phát đã chắc chắn được kiềm chế, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng xong để giải quyết ổn định thanh khoản là hai quan điểm rất khác biệt về thời điểm. Thực ra việc giải quyết thanh khoản của các ngân hàng yếu trong năm nay không chỉ đơn giản là sáp nhập hay bơm tiền mà còn là vấn đề nợ xấu rất phức tạp. Chẳng hạn các khoản cho vay bất động sản chưa thu hồi được có thể phải gia hạn, tình trạng đảo nợ càng khiến rủi ro nợ xấu trầm trọng hơn. Một vấn đề khác là lãi suất nên để giảm một cách tự nhiên hay bằng ý chí và biện pháp kỹ thuật? Các công cụ hành chính hoàn toàn có thể phát huy hiệu ứng hạ lãi suất, nhưng như vậy sẽ dẫn đến hệ lụy là dòng vốn vào ngân hàng sẽ giảm đi. Việc sử dụng nhiều biện pháp hành chính để giảm lãi suất có vẻ không được ưu tiên nhiều nữa, căn cứ vào những phát biểu của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước gần đây. Do đó thời điểm để lãi suất giảm một cách tự nhiên có thể sẽ dài hơn, chí ít là cuối quý 2 nếu không muốn nói là phải đợi đến thời điểm cuối năm.

Theo Trọng Nghĩa (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.