Tăng trưởng kinh tế yếu đã giúp khu vực này duy trì lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, việc dấu hiệu phục hồi kinh tế ở châu Á đang dần rõ rệt, và nhiều ngân hàng trung ương ồ ạt bơm tiền trong hai năm gần đây, sẽ đẩy giá cả lên cao trong những tháng tới. Xie cho biết: "Ấn Độ là nước có nguy cơ cao nhất, do không giải quyết được sự tắc nghẽn nguồn cung. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia cũng vậy".
Theo Xie, lạm phát ở Ấn Độ có thể tăng lên 10% và các nước châu Á là trên 5%. Ông cũng dự đoán tốc độ này ở Trung Quốc là hơn 4%, gấp đôi so với hiện tại.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy giá cả đã bắt đầu tăng vọt tại khắp các nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã bật tăng từ mức thấp nhất 33 tháng hồi tháng 11. Trong khi đó, dữ liệu từ Thái Lan và Indonesia cũng cho thấy lạm phát đã cao hơn trong tháng 12.
Lạm phát 2013 của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi lên 4%. Ảnh: CNN
Lạm phát cao ở Ấn Độ đã ám ảnh ngân hàng trung ương nước này suốt cả năm qua, khiến họ không thể cắt giảm mạnh lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Chỉ số giá bán buôn của Ấn Độ, thang đo lạm phát chính của nước này, đã tăng 7,24% tháng 11 so với cùng kỳ.
Xie cho biết tăng trưởng kinh tế dưới trung bình của châu Á đã giúp khu vực này duy trì lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, khi GDP và mức lương được dự đoán tăng nhẹ trong năm 2013 và 2014, giá cao có thể sẽ là vấn đề cần lưu ý.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã nâng dự báo tăng trưởng 2013 của Trung Quốc và các nước đang phát triển ở Đông Á. Theo đó, khu vực này có thể tăng trưởng 7,9%, mạnh hơn 7,6% trước đó. Dự báo cho năm 2012 cũng chỉ là 7,2%.
Hậu quả của việc tăng giá sẽ là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương châu Á tăng lãi suất. Việc này có thể làm vỡ bong bóng nhà đất vốn đang được thổi phồng nhờ lãi suất thấp tại Singapore hay Hong Kong, Xie cho biết.
Xie nhận định: "FED đã đặt mục tiêu trần lạm phát 2,5%. Vì vậy, khi lạm phát vượt mức đó, họ sẽ phải giải trình nếu không tăng lãi suất. Ở Hong Kong và Singapore, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào lạm phát. Tình trạng này tương đối giống với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998". Nếu lãi suất tăng, giá nhà tại hai thành phố này sẽ giảm một nửa.
Giá bất động sản tại Singapore đã tăng 56% kể từ năm 2007. Phần lớn các nhà phân tích kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm nay, do lãi vay mua nhà tại đây đang thấp kỷ lục. Còn ở Hong Kong, giá nhà đã tăng 20% trong năm 2012 do lãi suất thế chấp thấp và dòng vốn nóng từ nước ngoài.