Tìm được những chiến lược đầu tư đúng trong thời điểm hiện nay đang là bài toán khá đau đầu đối với các doanh nghiệp bất động sản Chưa khi nào thị trường căn hộ TPHCM lại khó khăn như lúc này. Mãi lực giảm mạnh, chính sách thuế bất cập, ngân hàng tạm ngưng cho vay, lạm phát tăng… buộc nhiều doanh nghiệp đang tìm đường vượt khó để hy vọng “sống cầm hơi”.

Chưa khi nào thị trường căn hộ TPHCM lại khó khăn như lúc này. Mãi lực giảm mạnh, chính sách thuế bất cập, ngân hàng tạm ngưng cho vay, lạm phát tăng… buộc nhiều doanh nghiệp đang tìm đường vượt khó để hy vọng “sống cầm hơi”.

Từ liên kết để tồn tại…

Mới đây, giữa lúc thị trường căn hộ chịu nhiều sức ép, các doanh nghiệp địa ốc cũng nỗ lực tìm cách cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để cải thiện tính thanh khoản. Cuối tháng 7-2011, Công ty Sacomreal lại tung ra chiến lược mới, “bắt tay” với 8 doanh nghiệp trong ngành xây dựng để thực hiện các dự án Belleza (quận 7), Carillon (quận Tân Bình), Sacomreal Hùng Vương (quận 6).
Liên kết này giúp Sacomreal sẽ được các đối tác cung cấp tất cả sản phẩm và dịch vụ từ khâu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng đến cung ứng nguyên vật liệu trong suốt quá trình phát triển dự án. Đây là quá trình khép kín, bảo đảm được các yếu tố tiến độ thực hiện dự án nhanh, chất lượng sản phẩm tốt và giá thành sản phẩm thấp. Chủ tịch HĐQT Công ty Sacomreal, ông Đặng Hồng Anh, khẳng định: “Việc hợp tác này là điều kiện để chúng tôi bảo đảm thực hiện tiến độ và chất lượng dự án. Ngoài ra, liên kết còn giúp tiết kiệm 10% - 20% chi phí dự án nên giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn…”.
Làm khác để “sống” được
Các chủ đầu tư đang kéo giá căn hộ chung cư xuống mức hợp lý để dễ bán hơn. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo nhận định của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức: “Nguồn vốn bị siết chặt thì việc liên kết, hợp tác với nhau là giải pháp tối ưu để khỏi phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng…”. Hiện đơn vị này đang triển khai 6 dự án nhà ở đều có liên kết với các doanh nghiệp khác, như cùng Công ty CP Bất động sản dệt may Việt Nam xây chung cư TDH - Phúc Thịnh Đức và trung tâm thương mại - căn hộ Aquila Plaza; cùng với Công ty Daewon xây dựng hàng loạt chung cư tại quận 2, quận 9…

… đến làm ăn kiểu “VAC”!

Không chỉ liên doanh liên kết, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện những chiến lược mà giới chuyên gia địa ốc hay nói đùa là kiểu làm ăn phổ biến trong ngành nông nghiệp VAC (tức vườn - ao - chuồng). Theo đó, doanh nghiệp sẽ làm theo chiều hướng gần như từ A đến Z, tức là từ khi thiết kế, cung cấp vật liệu xây dựng, thầu xây dựng… đến bán cho khách hàng thông qua sàn giao dịch bất động sản do chính đơn vị lập ra.
Cách làm ăn này có thể thấy ở một phần dự án Era Town (quận 7) do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng là Công ty Xây dựng - Địa ốc Hòa Bình. Thay vì trả tiền mặt cho nhà thầu thì chủ đầu tư chia lại một block chung cư với 240 căn hộ. Khi nhận số căn hộ trên, đầu tiên Công ty Hòa Bình vừa thi công xây dựng vừa tiến hành bán ưu đãi cho CB-CNV công ty, còn lại bán ra thị trường, đến nay đã bán được 160 căn hộ, một con số khá lý tưởng so với tình hình ảm đạm như hiện nay.
Theo ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hòa Bình, đây là giải pháp tốt cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như nhà cung ứng vật liệu xây dựng. Vì thị trường khó khăn nên một mình chủ đầu tư sẽ khó kham nổi, dẫn tới dự án triển khai chậm, trong khi sự tham gia của nhiều bên sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, quay vòng đồng vốn nhanh, không bị nợ.
Hơn nữa, ngay cả nhà thầu cũng cần có công ăn việc làm nên sẵn sàng chung tay với chủ đầu tư vừa xây dựng vừa bán hàng. Còn Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, cho hay tích hợp chức năng vừa là chủ đầu tư dự án vừa là nhà thầu duy nhất cho cả công trình là cách tiết kiệm chi phí, góp phần làm giảm giá thành chung cư. Với cách thi công này, doanh nghiệp lấy công làm lời, làm hai công việc nhưng ăn lợi nhuận một đầu.

Săn quỹ đất

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức, lại cho rằng xương sống của thị phần căn hộ chung cư chính là quỹ đất. Ông Đức tiết lộ đang đàm phán và cân nhắc thu gom đất giá rẻ từ các doanh nghiệp bất động sản để chuẩn bị cho việc phát triển các dự án nhà ở trong 5 năm tới.
Ngoài việc thủ sẵn 4.500 tỉ đồng tiền mặt để săn quỹ đất, tập đoàn này còn có bí quyết tận dụng thế mạnh về các công ty con là đơn vị cung cấp vật tư như gỗ, đá và mô hình xây dựng khép kín để giảm chi phí dự án.
Ông Đức khẳng định: “Với quy trình theo kiểu “VAC”, giá thành cho mỗi mét vuông căn hộ trung và cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai chỉ tầm 6 đến 8 triệu đồng…”.

Theo Tường nguyên (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.