CafeLand – Những ngày gần đây, nhiều vụ cháy nhà liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về các sự cố cháy nổ tại các khu dân cư, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Hình minh họa

Nhiều vụ cháy đã để lại hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản. Cụ thể, vào rạng sáng 25/3, một căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM bất ngờ bốc cháy dữ dội, làm 3 người trong một gia đình thiệt mạng.

Rạng sáng ngày 30/3/2021, một vụ cháy đã xảy ra tại phường Cát Lái, TP.Thủ Đức. Một căn nhà cấp 4 bị thiêu rụi hoàn toàn làm 6 người chết.

Tối ngày 30/3, một đám cháy lớn xảy ra ở bãi xe do Cảnh sát giao thông TP Thủ Đức quản lý, khiến nhiều tài sản, xe máy bị thiêu rụi.

Mới đây nhất, ngày 31/3, một căn nhà trong hẻm trên đường Nguyễn Thái Học, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM. May mắn là vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Các vụ cháy liên tục diễn ra đang làm dấy lên lo ngại về các sự cố cháy nổ tại các khu dân cư, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Trao đổi với CafeLand, thạc sĩ - luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, các điều khoản quy định rõ ràng về điều kiện an toàn PCCC đối với các khu dân cư, hộ gia đình.

Theo đó, khu dân cư, hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC gồm: có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Các khu dân cư phải có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an.

Các khu dân cư phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Theo nhận định của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (PC07) - Công an TP.HCM, tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phòng PC07 khuyến cáo người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ trong nhà ở; ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; không để ô tô trong nhà ở để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín.

Ngoài ra, người dân cần hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp,… để ốp tường trần, vách ngăn hạn chế cháy lan. Phải lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

Ở các nhà cao tầng, PC07 khuyến cáo không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Đồng thời, PC07 cho biết sẽ phối hợp với Đội PCCC các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý, giám sát nhắc nhở người dân về quy định an toàn PCCC nơi nhà ở.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.