Một trong những ngành hàng đang bị tồn kho nhiều là vật liệu xây dựng (VLXD). Thị trường bất động sản khó khăn, nhiều dự án đình đốn, lĩnh vực xây dựng dân dụng cũng bị ảnh hưởng lớn.
* Thị trường giảm, tồn kho tăng
Chị Ngọc Tài, chủ một đại lý thép và xi măng lớn trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP. Biên Hòa cho biết, sức mua VLXD ngày càng giảm, ngay cả trong mùa cao điểm, đã làm hàng tồn kho tăng mạnh. “Đầu năm, đại lý mạnh dạn ký hợp đồng nhập khoảng 1 ngàn tấn thép/ tháng, nhưng đến nay, sức tiêu thụ giảm đến 50%, hàng tồn kho hàng tháng tăng lên mạnh. Hiện nay, thị trường càng lúc càng tệ nên tôi giảm xuống còn 300 - 400 tấn/tháng” - chị Tài nói.
Tương tự, xi măng cũng là mặt hàng đang nằm trong dạng bán ế do lượng tiêu thụ thấp. Nhiều đại lý xi măng lớn tại TP. Biên Hòa cho hay từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường càng ngày càng tụt dốc, giảm từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ các dự án lớn từ vốn ngân sách mà bán lẻ cũng chậm hẳn do kinh tế khó khăn. “Các hãng xi măng khuyến mãi nhiều, nhưng sức mua không tăng. Từ giữa năm ngoái, thấy bán sỉ không tốt do các dự án đình đốn, nhiều đại lý đã đẩy mạnh bán lẻ, nhưng lượng tiêu thụ cũng chẳng khá hơn” - chị Thủy, chủ một vựa phân phối xi măng lớn ở phường Hố Nai (TP. Biên Hòa) nhận xét.
Vào thời điểm này cùng kỳ những năm trước, các vựa xi măng có thể tiêu thụ vài ba ngàn bao/ tuần, nay vựa nào đông khách mới có thể bán được năm bảy trăm bao, đại lý nào ký hợp đồng nhập hàng quá tay thì tồn kho sẽ trở thành một gánh nặng vì vốn “chôn” tại chỗ, không quay vòng được.
Tồn kho đang tăng ở nhiều nhóm, ngành hàng, như: điện máy, may mặc, thực phẩm khô, hàng tiêu dùng… Giám đốc một siêu thị tại TP. Biên Hòa cho biết, dù không đến nỗi ế ẩm, song tồn kho đã có dấu hiệu tăng từ vài tháng nay do sức mua yếu hơn dự tính, chủ yếu tập trung ở hàng hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ nhựa gia dụng…
* Tìm cách giải hàng tồn
Hàng hóa ế ẩm không tiêu thụ được tăng lên, vốn tồn đọng dẫn đến vòng quay đồng tiền chậm khiến giới bán lẻ lẫn nhà sản xuất đều lo ngại. Bên cạnh việc ứ vốn, tồn kho tăng cũng đồng nghĩa với hàng loạt chi phí phát sinh phải gánh, như: chi phí lưu kho, bảo quản, thanh lý hàng…
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F), cho biết, hiện tại lượng tiêu thụ đã giảm khoảng 10% ở tất cả các nhóm hàng, doanh thu giảm 2-3 tỷ đồng/tháng so với trước. Ở ngành hàng thực phẩm chế biến, tồn kho cũng tăng ở dạng nguyên liệu và DN phải tìm cách giải phóng trong thời hạn sử dụng cho phép, nhiều khi chấp nhận thua thiệt để tìm đối tác bán hạ giá.
Cũng như thực phẩm, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng đang ngán ngại tồn kho, đã xoay xở nhiều cách để xả hàng tồn. Ông Đỗ Tấn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH H.T.H (TP. Biên Hòa) chuyên về chăn, drap, gối cho biết, hàng tồn kho tăng đến 50% so với trước nên vài tháng gần đây DN phải “xuôi ngược” cùng các hội chợ triển lãm ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An… để bán hàng giảm giá nhằm giải phóng hàng tồn. “Trước đây, mỗi tháng DN sản xuất khoảng 3 ngàn bộ drap nhỏ, tiêu thụ được khoảng hơn 2 ngàn bộ, còn lại là dạng tồn kho an toàn. Hiện tại, sức mua chỉ khoảng xấp xỉ 1 ngàn bộ/tháng, tồn kho tăng cao, mẫu mới không ra được, hàng bán ế nên buộc phải khuyến mãi lớn, thậm chí giảm dưới giá thành” - ông Hưng nói.
Đối với giới bán lẻ, nỗ lực giảm hàng tồn kho cũng có thể thấy rõ ở dọc các tuyến đường buôn bán sầm uất ở Biên Hòa, như: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc, 30-4… với hình thức giảm giá có nơi lên đến 50%, đặc biệt ở nhóm hàng điện máy và may mặc. Tương tự, nhiều siêu thị cũng chọn hình thức khuyến mãi “mua hàng tặng hàng” để kích thích sức mua, đồng thời giải phóng hàng tồn.