CafeLand – Mặc dù vẫn còn nhiều khúc mắc cần giải quyết, đặc biệt liên quan đến pháp lý tuy nhiên bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng, có khả năng sinh lời lớn

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bất đông sản nghỉ dưỡng là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng không ít rủi ro

Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng trong buổi tọa đàm “Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội, rủi ro” do CafeLand tổ chức sáng ngày 23/6.

Tiến sĩ Hiếu cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng là loại hình nổi bật của thị trường bất động sản của Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phân khúc này khi sở hữu hơn ngàn cây số đường bở biển từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, tại mỗi khu vực đều tạo thành các cụm bất động sản nghỉ dưỡng đặc sắc như Hạ Long, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu và đặc biệt là Phú Quốc…

“Các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam họ rất nhanh nhạy, bên cạnh nhìn được thế mạnh tiềm năng của tự nhiên ban tặng thì chính sự phát triển khá tốt của ngành du lịch đã thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào phân khúc này”, ông Hiếu nói.

Trong thời gian gần đây, các chủ đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vươn mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để chào bán các sản phẩm của mình tới những vị khách quốc tế. Bằng chứng là các cuộc giới thiệu, mở bán dự án được tổ chức ở nước ngoài.

Theo tiến sĩ Hiếu, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là một đầu tư có lợi. Trước mắt, trên phương diện giấy tờ, người mua có thể sở hữu bất động sản đó trong vòng 50 năm hoặc có thể là vĩnh viễn trong tương lai. Người mua sử dụng bất động sản đó làm chỗ nghỉ dưỡng cho gia đình, bạn bè trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, phần thời gian còn lại sẽ giao cho chủ đầu tư quản lý, khai thác cho thuê lại và cam kết chia sẻ lại cho người mua một mức hợp lý.

“Tôi đã từng đến nhiều khu bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Với những căn biệt thự, thiết kế rất đẹp, mang đến cảm giác rất thoải mái cho du khách. Nếu tôi có tiền tôi cũng sẽ đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hiếu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hiện vẫn còn những khúc mắc cần lưu ý.

Thứ nhất, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là loại hình tương đối mới mẻ tại Việt Nam, do đó về mặt pháp lý vẫn chưa có những định nghĩa cụ thể. Đây là bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng hay là bất động sản kinh doanh hay hỗn hợp. Trong trường hợp sở hữu bất động sản đó nhưng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì xử lý ra sao. Hiện nay bất động sản nghỉ dưỡng mới định hình và cũng chưa có những tranh chấp lớn lao vào nếu trong tương lai có những tranh chấp đặc biệt là vấn đề pháp lý thì sẽ xử lý như thế nào vẫn còn là dấu hỏi.

“Nhiều dự án cam kết cho mức lợi nhuận 10%, nhưng ai đảm bảo sẽ thực hiện được?. Trong hợp đồng lại không có một chế tài nào, nếu bây giờ họ không đưa cho tôi đủ 10% mà chỉ 2% thậm chí có những năm họ không có lời, vì phí quản lý tốn kém, không chia lợi nhuận cho tôi thì phải xử lý chủ đầu tư như thế nào? Tôi có thể bán bất động sản đó cho người khác hay không?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Thứ hai, bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc rất lớn vào ngành du lịch. Nếu không thu hút được nguồn khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam thì chủ dự án sẽ không có lợi nhuận để chia sẻ cho những người mua. Trong khi đó, du lịch là ngành dễ chịu nhiều tổn thương bởi các biến động về kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, biến đổi khí hậu…

Thứ 3, thu nhập trung bình của người dân ở Việt Nam ở mức 2.300 USD, rất thấp để có thể mua được những bất động sản nghỉ dưỡng. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chỉ là loại hình đầu tư cho giới nhà giàu.

Thứ 4, hiện nay rất nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng phải vay ngân hàng. Thông thường các ngân hàng sẽ cho vay khoảng 70% hoặc có thể là 100% nếu đó là những khách hàng thân thiết. Tuy nhiên, phần lớn những ngân hàng cho vay này thường có liên quan hoặc tài trợ cho dự án đó. Nếu đặt giả thiết, một ngân hàng không có liên quan, cũng không tài trợ cho dự án đó thì chưa chắc họ đã mặn mà cho người vay để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Do đó, mặc dù là phân khúc tiềm năng nhưng nhà đầu tư cần lưu ý tính toán kỹ các yếu tố ở trên.

Nguyên Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.