Lãi suất huy động trên thị trường đang được đồng loạt giảm
Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động
Từ ngày 25/8, Vietcombank bắt đầu thay đổi biểu lãi suất huy động điều chỉnh các kỳ hạn khoảng 0,2 - 0,5 điểm phần trăm so với trước. Mức cao nhất là 6,8%/năm cho kỳ hạn trên 24 tháng, tiền gửi dưới một tháng còn 4,8%/năm, các kỳ hạn 2 - 9 tháng ở mức 5 - 5,7%/năm.
Trước đó, BIDV cũng điều chỉnh mạnh lãi suất tiền gửi một tháng về 4,5%/năm và dao động từ 5 - 6%/năm cho những kỳ hạn còn lại dưới 6 tháng. Còn tại Vietinbank, lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng cũng được điều chỉnh còn từ 5 - 6%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm cho các kỳ hạn.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết: “Những điều chỉnh của Vietinbank những ngày qua nhằm đưa lãi suất phù hợp với thực tế thị trường”.
Tại một số ngân hàng TMCP, lãi suất huy động cũng trong xu hướng điều chỉnh giảm. Cụ thể, ACB cũng đã giảm mức lãi suất huy động tiền đồng xuống 5,3%/năm đối với kỳ hạn 1, 2 tháng; 5,4%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng; 6,2%/năm kỳ hạn 9 tháng và 6,8%/năm kỳ hạn 12 tháng, giảm 0,2 điểm phần trăm so với hồi đầu tháng 8... Tại Techcombank, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng lần lượt là 5,36%, 5,4% và 5,51%/năm; kỳ hạn từ 4 - 6 tháng là 5,39%, 5,49% và 5,7%/năm, giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với hồi tháng 7…
Nhận định chung về tình hình điều chỉnh lãi suất hạ trong tháng của các ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, DN không có đầu ra cho sản xuất kinh doanh nên hạn chế vay tiền. Do đó, việc điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm cũng nhằm giảm bớt chi phí cho ngân hàng khi nguồn vốn đang dôi dư.
Quả vậy, thống kê của NHNN cho biết, tính đến ngày 31/7/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%. Trong đó, huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt... Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng với toàn nền kinh tế mới đạt 3,68%.
Biến tướng vay trên liên ngân hàng
Chia sẻ về tình trạng thừa vốn hiện nay, tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho biết, lo ngại về rủi ro tín dụng, nên dù có những DN sẵn sàng vay với giá cao, ngân hàng cũng không dám cho vay. Nhưng cũng có những DN nghiệp tốt có nguồn tiền thanh toán, lại được hạn mức tín dụng lớn, lập hồ sơ vay thêm tiền ngân hàng kỳ hạn ngắn với lãi suất rất thấp tại các NHTM có gốc quốc doanh rồi mang tiền đó đi gửi tại các NHTM cổ phần hưởng chênh lệch.
Thừa nhận câu chuyện này đang diễn ra, trao đổi với ĐTCK, giám đốc NHNN chi nhánh một tỉnh miền Trung cho biết, đây là hoạt động kinh doanh tiền tệ bình thường nhưng ban lãnh đạo NHNN lo ngại điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống nên đã phải mời lãnh đạo ngân hàng lên giải trình về việc cho DN vay dưới lãi suất huy động là 4%/năm.
Một chuyên gia ngân hàng bình luận: “Thị trường tín dụng đang có những méo mó khi có quá ít khách hàng tốt mà lại có khách hàng lợi dụng chênh lệch lãi suất để trục lợi”.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại tình trạng, NHTM dư vốn huy động lãi suất thấp không “ra mặt” được nên nhờ khách hàng của mình là một DN lớn “ôm” tiền gửi NHTM cổ phần có lãi suất huy động cao hơn. “Đây là một hình thức biến tướng của vay trên liên ngân hàng. Trên thực tế hiện nay, dù có nhiều ngân hàng dư dôi vốn nhưng cũng có những ngân hàng đói vốn do nợ xấu cao. Khoảng 4 - 5 năm trước, việc ngân hàng lớn thừa vốn rồi cho ngân hàng nhỏ vay kiếm lợi nhuận từng diễn ra.
Cần các quy trình, thủ tục nghiệp vụ chặt chẽ để kiểm soát rủi ro
Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO phân tích, hiện tượng DN vay tiền ở ngân hàng này với lãi suất thấp và đi gửi tiền ở ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn là hành vi chiếm dụng vốn, sử dụng vốn sai mục đích. Sẽ là đáng lo ngại nếu như ngân hàng không có cơ chế kiểm soát, theo dõi để phát hiện ngăn ngừa những trường hợp này. Càng đáng lo ngại hơn nếu như ngân hàng đã phát hiện nhưng để mặc, đồng thuận cho khách hàng của mình tiến hành các giao dịch kinh doanh vốn trái mục đích đó. Dù DN có lý giải thế nào dưới góc độ lợi nhuận, thì việc sử dụng vốn sai mục đích luôn là tiền đề của những hậu quả tín dụng mà ngành ngân hàng sẽ gánh chịu trong tương lai.
Đối với ngân hàng, việc kinh doanh hoạt động nguồn vốn với bản chất thuộc về thị trường hai nhưng được thực hiện thông qua thị trường một nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên lưng ngân hàng khác thực tế là “lách luật”. Những chiêu thức ngân hàng dùng nguồn vốn của mình, thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian để gửi vào ngân hàng khác tiềm ẩn rủi ro cho chính ngân hàng tiến hành giao dịch. Trong tình hình môi trường kinh doanh ngân hàng như hiện nay, thì lý do áp lực kinh doanh, thanh khoản dẫn tới hiện tượng này như đã từng xảy ra là không còn hợp lý.
“Về mặt pháp lý, các ngân hàng giao dịch vốn lẫn nhau phải theo quy định về tiền gửi liên ngân hàng, phải bảo đảm tuân thủ quy định về thời hạn gửi tiền, thủ tục và điều kiện gửi tiền… Nếu ‘lách luật’ như trên, có thể dẫn tới khả năng không thể kiểm soát được quá trình giao dịch, gây ra hậu quả cho chính ngân hàng, đặc biệt khi phát sinh những yếu tố tội phạm, lừa đảo trong các khâu của quy trình giao dịch có yếu tố lách luật. Điều này đã là sự thật trong một số vụ án lớn của ngành ngân hàng thời gian qua”, Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật sư Trần Minh Hải chia sẻ thêm, hiện tượng này là điều đáng lo ngại khi quy tắc giao dịch liên ngân hàng chuẩn tắc không được các ngân hàng tôn trọng, thì hậu quả rộng hơn là ảnh hưởng tới tính hệ thống của ngành ngân hàng. Một ngân hàng cố ý làm sai, sẽ đẩy thêm nhiều ngân hàng vào guồng và chỉ cần một hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với một ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng tới gần như cả hệ thống ngân hàng.
“Giai đoạn hiện nay là giai đoạn hoàn thiện ngành ngân hàng và những yếu tố lách luật vì vụ lợi ngắn hạn cần được xem xét cẩn trọng, khi mà đặc điểm của cả hệ thống ngân hàng là các quy trình, thủ tục nghiệp vụ hiện nay chưa thực sự chặt chẽ để kiểm soát rủi ro”, Luật sư Trần Minh Hải nói.